Ngày 30/12/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó tăng mức xử phạt đối với hàng loạt hành vi vi phạm.
Ảnh minh họa
Toàn bộ mức phạt vi phạm mới đối với ô tô, xe máy từ 01/01/2020
Trước việc tăng mạnh các mức xử phạt, đặc biệt là mức xử phạt đối với các vi phạm về nồng độ cồn, dân nhậu đã truyền miệng nhau cách đối phó khi bị CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra nồng độ cồn là bỏ xe lại, chấp nhận bị phạt vì hành vi Không chấp hành hiệu lệnh hơn là bị phạt vì Vi phạm nồng độ cồn.
Tuy nhiên, đây là một quan niệm hết sức sai lầm. Bởi lẽ, khi ban hành Nghị định này thì Chính phủ đã có quy định xử phạt rất nghiêm khắc đối với hành vi trốn tránh, không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của CSGT.
Theo đó, hành vi không tuân thủ việc kiểm tra nồng độ cồn hay khóa xe bỏ đi đều bị coi là vi phạm pháp luật và bị áp dụng mức xử phạt hành chính cao nhất, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chống người thi hành công vụ. Cụ thể, điểm g Khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
“g) Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ;”
Ngoài phạt tiền, người có hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn còn bị phạt bổ sung tước Giấy phép lái xe từ 22 tháng tới 24 tháng. (Trước đây, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định hành vi này sẽ bị tước Giấy phép lái xe 04 tháng – 06 tháng và phạt tiền tối đa 4.000.000 đồng).
Trong trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người vi phạm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Cụ thể, theo Khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 thì người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Do đó, thiết nghĩ người dân nên chấp hành yêu cầu của CSGT thay vì tìm cách để đối phó hay trốn tránh trách nhiệm khi vi phạm. Việc tuân thủ tuyệt đối khẩu hiệu Đã uống rượu, bia thì không lái xe chính là cách bảo vệ tính mạng cũng như sức khỏe của chính mình và của người khác khi tham gia giao thông.
Xem thêm các quy định khác tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/01/2020.
Toàn Trung
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |