Thời gian gần đây, Thư Ký Luật nhận được khá nhiều ý kiến từ Quý khách hàng, thành viên về việc giáo viên, trong quá trình giảng dạy bị học sinh và phụ huynh nói xấu, làm ảnh hưởng đến việc công tác và giảng dạy của mình. Vậy trong trường hợp này, pháp luật có những quy định gì để bảo vệ quyền lợi cho quý thầy cô? Thư Ký Luật xin giải đáp thắc mắc trên như sau:
BẢNG LƯƠNG CỦA GIÁO VIÊN CÁC CẤP NĂM 2020 (DỰ KIẾN)
Ảnh minh họa
>>> Xem thêm: Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nhiều giáo viên sẽ được khen thưởng
Theo quy định pháp luật hiện hành, khi những thông tin thất thiệt, đặt điều gây ảnh hưởng, thiệt hại đến đời sống của giáo viên thì giáo viên có quyền yêu cầu tòa bác thông tin, yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính thông tin và bồi thường thiệt hại. Cụ thể, tại Điều 34 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
Điều 34. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín
1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.
4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.
5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Mức bồi thường thiệt hại sẽ được tính theo quy định tại Điều 592 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
c) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Mới đây, tại Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước 2019, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ Ngân sách Trung ương 2020, Chính phủ đã đề xuất tăng mức lương cơ sở năm 2020 lên mức 1.600.000 đồng/tháng, tăng thêm 110.000 đồng so với năm 2019. Nếu mức tăng lương này được Quốc hội chấp thuận thì lương cơ sở từ ngày 01/7/2020 sẽ là 1.600.000 đồng/tháng và là mức lương cơ sở cao nhất từ trước đến nay. Theo đó, từ ngày 01/7/2020, khi có người đặt điều nói xấu, tung tin thất thiệt về mình, giáo viên có thể yêu cầu họ bồi thường tối đa 10 lần mức lương cơ sở là: 10 x 1.600.000 = 16.000.000 đồng.
Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín là một trong những quyền nhân thân cơ bản của của con người, được pháp luật thế giới thừa nhận và được quy định cụ thể trong pháp luật Việt Nam. Do đó, mỗi giáo viên đều được pháp luật bảo vệ về danh dự, nhân phẩm và uy tín của mình.
Lan Anh
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |