Mới đây, Thư Ký Luật đã thông tin đến Quý Khách hàng, Thành viên về việc Nghị định 76/2019/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2019.
Ảnh minh họa
Theo đó, Nghị định này sẽ thay thế các Nghị định 116/2010/NĐ-CP và Nghị định 64/2009/NĐ-CP, đồng thời bãi bỏ Điều 7, Điều 8, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13 và Điều 14 Nghị định 61/2006/NĐ-CP và Nghị định 19/2013/NĐ-CP về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Vấn đề đặt ra ở đây là, liệu những giáo viên, cán bộ, công chức, viên chức hiện nay đang hưởng chế độ theo Nghị định 116 thì bây giờ có tiếp tục được hưởng các chế độ theo Nghị định 76 hay không? Liệu có bị giảm bớt loại phụ cấp nào hay không?
Thư Ký Luật xin giải đáp vấn đề này cụ thể tại bài viết dưới đây:
Đầu tiên, về các loại phụ cấp:
Theo quy định hiện hành tại Nghị định 116/2010/NĐ-CP, Nghị định 61/2006/NĐ-CP, Nghị định 19/2013/NĐ-CP, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng các khoản phụ cấp sau: Phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút, trợ cấp chuyển vùng, trợ cấp lần đầu, phụ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch, phụ cấp lưu động, phụ cấp dạy bằng tiếng và chữ viết của người dân tộc thiểu số, trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, thanh toán tiền tàu xe.
Kế thừa quy định tại các văn bản này, Nghị định 76 cũng quy định rõ, giáo viên và cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng các loại phụ cấp sau: Phụ cấp thu hút; phụ cấp công tác lâu năm; trợ cấp lần đầu; trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu; thanh toán tiền tàu xe; trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp lưu động và phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số đối với nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục.
Như vậy, có thể thấy, Nghị định 76 không bỏ bớt hay bổ sung thêm loại phụ cấp nào so với quy định hiện hành mà chỉ tổng hợp toàn bộ các loại phụ cấp đối với giáo viên và cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được quy định tại nhều văn bản rải rác về một văn bản thống nhất.
Do đó, những giáo viên, cán bộ, công chức, viên chức nào đang thuộc đối tượng được hưởng các loại phụ cấp theo Nghị định 116 thì sẽ tiếp tục hưởng các loại phụ cấp này theo quy định tại Nghị định 76 khi Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Tuy nhiên, Nghị định 76 cũng đã thay đổi một số quy định đối với trợ cấp lần đầu và trợ cấp nước sạch. Cụ thể, đối với trợ cấp lần đầu Nghị định 76 đã bỏ điều kiện về số năm công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để được hưởng trợ cấp lần đầu, hiện tại phải có thời gian công tác từ 3 năm trở lên đối với nữ và 5 năm trở lên đối với nam còn từ 01/12/2019 thì không cần điều kiện này cũng sẽ được hưởng trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở. Còn đối với trợ cấp nước sạch thì Nghị định 76 chỉ rõ chỉ áp dụng đối với những vùng do điều kiện tự nhiên không có nước ngọt và sạch hoặc có nhưng không đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt từ 01 tháng liên tục trở lên trong năm.
Thứ hai, về đối tượng được hưởng các loại phụ cấp:
Bên cạnh việc tiếp tục giữ nguyên các đối tượng được hưởng các loại phụ cấp đã được quy định trước đó tại Nghị định 116, Nghị định 76 đã bổ sung thêm một số đối tượng sau đây cũng được hưởng chế độ khi công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn:
- Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.
- Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động quy định tại Nghị định 45/2010/NĐ-CP và Nghị định 33/2012/NĐ-CP.
- Người có hộ khẩu thường trú tại địa bàn được hưởng các chính sách cho vùng ĐBKK vẫn thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp lần đầu khi nhận công tác tại vùng ĐBKK.
Thứ ba, về phạm vi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chế độ:
Theo Nghị định 76, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm: Huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1; Các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp,... (gọi chung là thôn) đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. (Theo quy định hiện hành tại Nghị định 116, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm các huyện đảoTrường Sa, Hoàng Sa; DK1; các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp... (gọi chung là thôn) đặc biệt khó khăn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền). Có thể thấy, phạm vi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chế độ tại Nghị định 76 là không có thay đổi gì nhiều so với Nghị định 116.
Như vậy, về cơ bản các loại phụ cấp ở Nghị định 76 là không có thay đổi nhiều so với Nghị định 116, những người hiện nay đang hưởng chế độ theo Nghị định 116, để biết mình có tiếp tục được hưởng chế độ theo Nghị định 76 khi Nghị định này có hiệu lực hay không thì cần phải xem xét đủ 3 yếu tố nêu trên: Mình có thuộc đối tượng được hưởng chế độ hay không? Nơi mình công tác có nằm trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các loại phụ cấp theo quy định hay không? Và các loại phụ cấp mình đang hưởng theo Nghị định 116 có bị thay đổi điều kiện hưởng theo Nghị định 76 hay không?
Nguyễn Trinh
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |