Đây là một trong ba quyền quan trọng của người giám định tư pháp mới được bổ sung tại Luật giám định tư pháp sửa đổi 2020 .
Từ 01/01/2021, người giám định tư pháp có quyền từ chối giám định tư pháp (Ảnh minh họa)
Quyền và nghĩa vụ của người giám định tư pháp đã được quy định tại Điều 23 Luật giám định tư pháp 2012 trước đây. Cụ thể, theo Luật cũ, người giám định tư pháp chỉ có 03 quyền sau:
Điều 23. Quyền, nghĩa vụ của người giám định tư pháp khi thực hiện giám định tư pháp
1. Người giám định tư pháp có quyền:
a) Lựa chọn phương pháp cần thiết, phù hợp để tiến hành giám định theo nội dung yêu cầu giám định;
b) Sử dụng kết quả thực nghiệm, xét nghiệm bổ sung hoặc kết luận chuyên môn do cá nhân, tổ chức khác thực hiện nhằm phục vụ cho việc giám định;
c) Độc lập đưa ra kết luận giám định.
Tuy nhiên, khi Luật giám định tư pháp sửa đổi 2020 được ban hành, khoản 13 Điều 1 đã bổ sung thêm 3 quyền khác của người giám định tư pháp. Đó là:
Quyền đề nghị người trưng cầu giám định hoặc cơ quan có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ theo quy định của pháp luật khi có dấu hiệu bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của bản thân hoặc người thân thích do việc thực hiện giám định tư pháp, tham gia vụ án, vụ việc với tư cách là người giám định tư pháp;
Quyền từ chối thực hiện giám định tư pháp trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật này;
Quyền được bố trí vị trí phù hợp khi tham gia tố tụng tại phiên tòa.
Trong 03 quyền này, người giám định tư pháp chỉ được thực hiện quyền từ chối giám định tư pháp trong các trường hợp sau:
Từ chối giám định trong trường hợp nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định không phù hợp với phạm vi chuyên môn hoặc không có đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định; đối tượng giám định, tài liệu liên quan được cung cấp không đầy đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định tư pháp sau khi đã đề nghị người trưng cầu, người yêu cầu giám định bổ sung, làm rõ nhưng không được đáp ứng; thời gian không đủ để thực hiện giám định; tính độc lập, khách quan của việc thực hiện giám định không được bảo đảm. Trường hợp từ chối giám định thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu hoặc yêu cầu giám định, phải thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do (khoản 7 Điều 1 Luật giám định tư pháp sửa đổi 2020, sửa đổi khoản 2 Điều 11 Luật giám định tư pháp 2012).
Như vậy, từ ngày 01/01/2021, Luật giám định tư pháp sửa đổi 2020 đã bổ sung thêm 03 quyền của người giám định tư pháp. Trong đó, chủ thể này có quyền từ chối giám định nhưng chỉ được thực hiện trong một số trường hợp nhất định.
Xem chi tiết tại: Luật giám định tư pháp sửa đổi 2020, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Phương Thanh
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |