Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 103/2007/NĐ-CP quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trường hợp loại trừ, miễn, giảm nhẹ và tăng nặng hình thức kỷ luật (Ảnh minh họa)
Cụ thể, tại Điều 24 Nghị định 103/2007/NĐ-CP quy định các trường hợp loại trừ, miễn, giảm nhẹ và tăng nặng hình thức kỷ luật. Cụ thể như sau:
1. Trường hợp được loại trừ, miễn xử lý kỷ luật:
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức được xem xét loại trừ trách nhiệm kỷ luật do không thể biết được hoặc đã áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật;
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách, bị xem xét xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách, nếu trước đó đã tự nguyện xin từ chức và đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận thì có thể được miễn xử lý kỷ luật.
2. Trường hợp giảm nhẹ kỷ luật:
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách, bị xem xét kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên, nếu trước đó đã tự nguyện xin từ chức và đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận thì được xem xét giảm nhẹ mức xử lý kỷ luật xuống một bậc;
Cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tự giác khắc phục hậu quả thì được xem xét giảm nhẹ hình thức kỷ luật.
3. Trường hợp tăng nặng kỷ luật:
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đã bị xử lý kỷ luật vì để xảy ra vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách mà không kịp thời ngăn chặn, xử lý vụ việc vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thuộc phạm vi do mình quản lý, phụ trách.
Cán bộ, công chức, viên chức không thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi lãng phí; khi phát hiện hành vi vi phạm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cố tình che giấu, không báo cáo kịp thời với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Chi tiết xem tại Nghị định 103/2007/NĐ-CP có hiệu lực ngày 23/7/2007.
Ty Na
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |