Trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu là nội dung được đề cập tại Nghị quyết 241/NQ-CP ngày 19/12/2024.
Trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu (Hình từ Internet)
Ngày 19/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 241/NQ-CP về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 937/NQ-UBTVQH15 giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.
Cụ thể đối với các nhiệm vụ ngắn hạn xong trước cuối năm 2025, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan thực hiện các nội dung như sau:
- Trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu theo đúng chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại Thông báo 172/TB-VPCP ngày 14 tháng 10 năm 2023, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước, hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp trong quý II năm 2024. Có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất xăng dầu, bảo đảm hạn mức sản xuất tối thiểu và cam kết sản lượng cung ứng.
- Rà soát, hoàn thiện cơ chế giá phát điện nhằm khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh nguồn điện năng lượng tái tạo, trong đó có điện rác và điện sinh khối; xử lý dứt điểm vướng mắc các dự án điện gió, điện mặt trời giai đoạn trước. Khẩn trương xây dựng, thực hiện cơ chế đấu giá, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư công trình điện bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa các bên.
- Nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền sớm luật hóa việc điều hành giá bán lẻ điện theo tinh thần “xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định”; giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền phù hợp với cấp độ phát triển thị trường điện; có cơ chế giá phù hợp trong việc xuất, nhập khẩu điện đối với các nước trong khu vực. Hoàn thiện cơ chế giá truyền tải điện để thu hút đầu tư vào lưới điện theo từng khu vực địa lý; tách bạch chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động công ích, chi phí xã hội và chi phí quản trị doanh nghiệp.
- Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế phát triển thị trường cạnh tranh đối với than, khí. Tính toán, xác định cơ chế giá điện khí để bảo đảm hiệu quả đầu tư của dự án điện, đặc biệt là các chuỗi dự án khí - điện sử dụng khí trong nước.
- Có chính sách về; cơ cấu lại mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia phù hợp với các loại sản phẩm được lưu thông trên thị trường; biện pháp bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu, tránh đứt gãy ở mọi phân khúc, thị trường, kể cả sản lượng được phân giao bổ sung và sản phẩm theo nhu cầu thị trường, nhất là trong thời gian bảo dưỡng các nhà máy lọc dầu.
- Nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách về: đầu tư hệ thống hạ tầng kho, cảng trung chuyển than, vận chuyển và dự trữ than. Ban hành văn bản hướng dẫn chủ đầu tư các nhà máy điện than về cơ chế mua than nhập khẩu dài hạn từ các chủ mỏ (hoặc đại diện chủ mỏ) tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp thông lệ quốc tế, đảm bảo nguồn than cho sản xuất điện ổn định, dài hạn với giá cạnh tranh, minh bạch và đa dạng hóa nguồn than nhập khẩu.
- Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo, trọng tâm là các cơ chế về: điện gió ngoài khơi trên cơ sở đánh giá tác động và bảo đảm quốc phòng, an ninh; điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, điện mặt trời mái nhà tại các tòa nhà công sở, nhà dân, công trình công cộng, khu công nghiệp. Sớm ban hành cơ chế phát triển điện gió, điện mặt trời mái nhà cho khu vực miền Bắc để hạn chế tình trạng thiếu điện ngay trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Xem thêm tại Nghị quyết 241/NQ-CP ngày 19/12/2024.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |