Tôi muốn biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những nội dung gì trong việc triển khai Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình? – Mai Hằng (Ninh Thuận)
Triển khai Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Ngày 09/4/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn 1461/BVHTTDL-GÐ về việc triển khai Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.
Cụ thể, thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022; Quyết định 363/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình , đồng thời để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các bộ, ngành, tổ chức ở trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024 với những nội dung sau:
(1) Chủ đề truyền thông: “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”.
(2) Thời gian: từ ngày 01/6/2024 đến ngày 30/6/2024.
(3) Thông điệp, khẩu hiệu truyền thông
- Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình;
- Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của toàn xã hội;
- Đầu tư cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững;
- Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống bạo lực gia đình;
- Cản trở việc phát hiện, báo tin, tố giác hành vi bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật.
- Mọi hành vi bạo lực gia đình cần được phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm.
- Bạo lực là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc ly hôn hiện nay;
- Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi là hành vi bạo lực gia đình;
- Bỏ mặc, không chăm sóc là hành vi bạo lực đối với người cao tuổi;
- Bạo lực gia đình làm suy giảm khả năng học tập và sự phát triển toàn diện của trẻ em.
(4) Hình thức truyền thông
Các hình thức truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình như: mít tinh, hội thi, hội thảo, hội nghị, hội diễn, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề; tuyên truyền trên truyền hình, báo chí, mạng xã hội, tin nhắn điện thoại; treo các băng rôn, áp phích tại cổng cơ quan, tổ chức, nơi tập trung đông người qua lại như khu công nghiệp, trường học, bệnh viện, chợ, trung tâm thương mại và khu dân cư; lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình trong các hoạt động sinh hoạt cộng đồng.
(5) Tổ chức thực hiện
Đề nghị các bộ, ngành, tổ chức ở trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ chủ đề, thông điệp, thời gian thực hiện trong văn bản này và tình hình thực tế lựa chọn hình thức phù hợp để chỉ đạo, tổ chức triển khai.
Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch treo băng rôn, áp phích, thông điệp tại cổng cơ quan hoặc lựa chọn hình thức phù hợp để thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị.
Các bộ, ngành, tổ chức ở trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan, đơn vị có liên quan tổng hợp kết quả triển khai Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024 gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Vụ Gia đình, số 51 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) trước ngày 31/7/2024 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Xem thêm tại Công văn 1461/BVHTTDL-GÐ ngày 09/4/2024.
Việc phòng, chống bạo lực gia đình phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
- Phòng ngừa là chính, lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm.
- Tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có liên quan; bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em; ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình là phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; thực hiện bình đẳng giới.
- Chú trọng hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình.
- Hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình phải được kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em thì trong quá trình xử lý phải có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em hoặc người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em.
- Nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và người đứng đầu; chú trọng phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình.
- Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng.
- Thực hiện trách nhiệm nêu gương trong phòng, chống bạo lực gia đình đối với cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |