Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý kho vật chứng và tài liệu, đồ vật từ 01/01/2025.
Trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý kho vật chứng và tài liệu, đồ vật từ 01/01/2025 (Hình từ internet)
Ngày 30/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 142/2024/NĐ-CP quy định về quản lý kho vật chứng và tài liệu, đồ vật.
Theo đó, Điều 11 Nghị định 142/2024/NĐ-CP quy định trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý kho vật chứng và tài liệu, đồ vật như sau:
- Tổ chức triển khai thi hành pháp luật về quản lý kho vật chứng và tài liệu, đồ vật; chỉ đạo nghiệp vụ, hướng dẫn áp dụng pháp luật về quản lý kho vật chứng và tài liệu, đồ vật.
- Chủ trì, phối hợp với cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận, nhập, xuất, bảo quản vật chứng, tài liệu, đồ vật.
- Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ, nguồn nhân lực trong quản lý kho vật chứng và tài liệu, đồ vật; tổ chức bảo vệ an toàn kho vật chứng và tài liệu, đồ vật 24/24 giờ hằng ngày.
- Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức di chuyển khẩn cấp vật chứng, tài liệu, đồ vật trong kho vật chứng và tài liệu, đồ vật đến nơi an toàn trong trường hợp thiên tai, cháy, nổ hoặc có nguy cơ mất an toàn kho vật chứng và tài liệu, đồ vật.
- Đề nghị chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang nhân dân đóng quân trên địa bàn hỗ trợ bảo vệ kho vật chứng và tài liệu, đồ vật trong trường hợp cần thiết.
- Kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khắc phục, xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật có dấu hiệu hư hỏng, nguy cơ hư hỏng, bong, rách niêm phong hoặc đe dọa đến sự an toàn của kho vật chứng và tài liệu, đồ vật, ảnh hưởng xấu hoặc gây thiệt hại đến con người, tài sản, môi trường.
- Thông báo kịp thời cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trên địa bàn có kho vật chứng và tài liệu, đồ vật và cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã ra lệnh hoặc quyết định nhập kho vật chứng và tài liệu, đồ vật trong các trường hợp vật chứng, tài liệu, đồ vật bị mất mát, xâm phạm, chiếm đoạt để phối hợp xử lý, giải quyết.
- Định kỳ 06 tháng, năm có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng rà soát, thống kê và xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật theo quy định của pháp luật.
- Sơ kết, tổng kết công tác quản lý kho vật chứng và tài liệu, đồ vật; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về quản lý kho vật chứng và tài liệu, đồ vật.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý kho vật chứng và tài liệu, đồ vật được quy định tại Điều 4 Nghị định 142/2024/NĐ-CP bao gồm:
(1) Xâm phạm, phá hủy cơ sở vật chất và các phương tiện, trang thiết bị bảo đảm an ninh, an toàn kho vật chứng và tài liệu, đồ vật.
(2) Nhập kho vật chứng và tài liệu, đồ vật đối với những vật không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.
(3) Mang vật chứng, tài liệu, đồ vật ra khỏi kho vật chứng, tài liệu, đồ vật mà không được phép của cơ quan, người có thẩm quyền ra lệnh hoặc quyết định nhập, xuất vật chứng, tài liệu, đồ vật và cơ quan, người có thẩm quyền quản lý kho vật chứng và tài liệu, đồ vật.
(4) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tiêu dùng, sử dụng trái phép, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, thêm, bớt, sửa đổi, làm mất mát, hư hỏng, hủy hoại, phá hủy niêm phong và có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng vật chứng, tài liệu, đồ vật.
(5) Sử dụng kho vật chứng và tài liệu, đồ vật vào mục đích khác.
(6) Người, phương tiện không có nhiệm vụ vào kho vật chứng và tài liệu, đồ vật.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |