Tổng cục Thuế yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý thuế, kỷ cương, đạo đức công vụ công chức thuế

Tổng cục Thuế yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý thuế, kỷ cương, đạo đức công vụ công chức thuế
Trần Thanh Rin

Để chấn chỉnh công tác quản lý thuế, kỷ cương, đạo đức công vụ công chức thuế, Tổng cục Thuế đã yêu cầu làm những gì? – Quốc Bảo (Đà Nẵng)

Tổng cục Thuế yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý thuế, kỷ cương, đạo đức công vụ công chức thuế

Tổng cục Thuế yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý thuế, kỷ cương, đạo đức công vụ công chức thuế (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

Ngày 23/10/2023, Tổng cục Thuế đã có Công văn 4668/TCT-KTNB về việc chấn chỉnh công tác quản lý thuế, kỷ cương, đạo đức công vụ công chức thuế.

Tổng cục Thuế yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý thuế, kỷ cương, đạo đức công vụ công chức thuế

Để tăng cường kỷ cương, kỷ luật đối với công chức trong toàn ngành cũng như hạn chế các rủi ro trong công tác quản lý thuế. Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, triển khai một số việc sau:

(1) Thực hiện phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng tới từng công chức, cán bộ, thực hiện rà soát các doanh nghiệp, hộ kê khai có rủi ro cao về hóa đơn theo các văn bản chỉ đạo của Tổng cục Thuế và các văn bản yêu cầu phối hợp của các cơ quan thuế khác, trên cơ sở đó chỉ đạo áp dụng biện pháp quản lý thuế phù hợp.

Tổng cục Thuế yêu cầu Ban quản lý rủi ro, Cục Thuế các địa phương thường xuyên phân tích, đánh giá các địa bàn trọng điểm nơi phát sinh nhiều doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, phát sinh doanh thu tăng đột biến, bất thường để kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý của các cấp lãnh đạo và công chức theo dõi địa bàn, áp dụng triệt để các biện pháp nghiệp vụ đối với các trường hợp Người nộp thuế có rủi ro cao gian lận hóa đơn, gian lận hoàn thuế. Kịp thời luân chuyển cán bộ, công chức lơ là không làm hết trách nhiệm, bao che các doanh nghiệp mua bán hóa đơn bất hợp pháp, gian lận hoàn thuế.

(2) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhất là công chức thường xuyên tiếp xúc với người nộp thuế, không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, khó khăn trong quá trình thực thi công vụ.

Tổ chức kiểm tra thực thi công vụ thường xuyên, đột xuất; kiểm tra, xác minh kịp thời những thông tin liên quan đến sai phạm của cán bộ, công chức. Kiên quyết xử lý nghiêm minh các công chức sai phạm theo quy định của pháp luật và quy định của ngành.

(3) Người đứng đầu đơn vị các cấp chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật kỷ cương tại đơn vị, đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi vi phạm chế độ, trách nhiệm hoặc khi xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong đơn vị do mình quản lý, phụ trách theo đúng quy định tại Nghị định 157/2007/NĐ-CP ngày 20/7/2007, Nghị định 59/2019/NĐ-CP và các quy định có liên quan.

(4) Thủ trưởng đơn vị có công chức liên quan đến vụ án hay bị khởi tố bị can cần chủ động trao đổi thông tin với cơ quan chức năng trong phạm vi quy định của pháp luật để kịp thời ngăn chặn không để tái diễn sai phạm tương tự trong đơn vị, thi hành kỷ luật nghiêm đối với các công chức có sai phạm và các công chức có liên quan sau khi có kết luận của cơ quan chức năng.

Xem thêm tại Công văn 4668/TCT-KTNB ngày 23/10/2023.

Cán bộ, công chức không được làm những việc gì?

Theo Mục 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 đã nêu chi tiết những việc cán bộ, công chức không được làm như sau:

(1) Những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến đạo đức công vụ

- Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công.

- Sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật.

- Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi.

- Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.

(2) Những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến bí mật nhà nước

- Cán bộ, công chức không được tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật nhà nước dưới mọi hình thức.

- Cán bộ, công chức làm việc ở ngành, nghề có liên quan đến bí mật nhà nước thì trong thời hạn ít nhất là 05 năm, kể từ khi có quyết định nghỉ hưu, thôi việc, không được làm công việc có liên quan đến ngành, nghề mà trước đây mình đã đảm nhiệm cho tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài.

- Chính phủ quy định cụ thể danh mục ngành, nghề, công việc, thời hạn mà cán bộ, công chức không được làm và chính sách đối với những người phải áp dụng quy định tại (2).

(3) Những việc khác cán bộ, công chức không được làm

Ngoài những việc không được làm quy định tại (1), (2), cán bộ, công chức còn không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

669 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;