Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 26/2019/TT-BKHCN quy định chi tiết xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật.
Toàn bộ thủ tục phê duyệt kế hoạch xây dựng QCĐP từ 01/8/2020 (Ảnh minh họa)
Theo Điều 6 Thông tư 26/2019/TT-BKHCN trình tự, thủ tục phê duyệt kế hoạch xây dựng Quy chuẩn địa phương (QCĐP) được quy định như sau:
Thứ nhất. lập, phê duyệt, thực hiện và điều chỉnh, bổ sung kế hoạch xây dựng QCĐP như sau:
Lập dự thảo kế hoạch xây dựng QCĐ
Quý II hằng năm, căn cứ vào nhu cầu xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế QCĐP, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan gửi đề nghị kế hoạch xây dựng QCĐP cho năm sau bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kèm theo dự án xây dựng QCĐP để xem xét, tổng hợp. Đề nghị kế hoạch xây dựng QCĐP và nội dung thực hiện theo Mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này. Lập dự án xây dựng QCĐP thực hiện theo Mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức xem xét dự án QCĐP với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành và các sở, ban, ngành có liên quan của địa phương. Tùy theo nội dung, mức độ phức tạp, quy mô ảnh hưởng của đối tượng xây dựng QCĐP, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mời đại diện của bộ, cơ quan ngang bộ liên quan trực tiếp tham gia xem xét dự án hoặc có ý kiến bằng văn bản.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lập dự thảo kế hoạch xây dựng QCĐP cho năm sau. Lập dự thảo kế hoạch xây dựng QCĐP thực hiện theo Mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
Thứ hai, lấy ý kiến và hoàn chỉnh dự thảo kế hoạch xây dựng QCĐP
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi dự thảo kế hoạch đến bộ quản lý chuyên ngành và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để lấy ý kiên, thông báo về việc lấy ý kiến trên Cổng thông tin điện tử hoặc tạp chí, ấn phẩm chính thức của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố hoặc cơ quan tham mưu, giúp việc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý khoa học và công nghệ trên địa bản. Thời gian lấy ý kiến về dự thảo ít nhất 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày gửi dự thảo đi lấy ý kiến.
Cơ quan tham mưu, giúp việc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý khoa học và công nghệ trên địa bản tổ chức tổng hợp, xử lý các ý kiến góp ý để hoàn chỉnh dự thảo kế hoạch xây dựng QCĐP.
Thứ ba, phê duyệt kế hoạch xây dựng QCĐP
Xem xét, phê duyệt kế hoạch xây dựng QCĐP thực hiện vào quý IV của năm trước năm kế hoạch, kết hợp với xem xét, phê duyệt kế hoạch khoa học và công nghệ của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và theo hướng dẫn chung về kế hoạch khoa học và công nghệ hằng năm của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức xem xét, phê duyệt kế hoạch xây dựng QCĐP sau khi có ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ để bảo đảm tính thông nhất, đồng bộ của hệ thông quy chuẩn kỹ thuật (công văn gửi Bộ Khoa học và Công nghệ có kèm theo ý kiến của bộ quản lý chuyên ngành).
Thông báo đến các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan, cơ quan thực hiện hoạt động TBT ở địa phương về hàng rào kỹ thuật trong thương mại và công khai trên Cổng thông tin điện tử hoặc tạp chí, ấn phẩm chính thức của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố hoặc cơ quan tham mưu, giúp việc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý khoa học và công nghệ trên địa bàn trong thời hạn không quá 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày kế hoạch được phê duyệt.
Thứ tư, thực hiện kế hoạch xây dựng QCĐP: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt; định kỳ quý IV hằng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu, thông báo cho Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng về tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch xây dựng QCĐP để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Thứ năm, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch xây dựng QCĐP
Kế hoạch xây dựng QCĐP có thể điều chỉnh, bổ sung hoặc rút khỏi kế hoạch theo đề nghị bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan. Nội dung điều chỉnh, bổ sung kế hoạch bao gồm: tiến độ, đối tượng, nội dung của QCĐP, kinh phí thực hiện.
Đề nghị điều chỉnh, bổ sung kế hoạch xây dựng QCĐP thực hiện trước thời điểm kết thúc nhiệm vụ kế hoạch được đề nghị ít nhất 06 (sáu) tháng. Trình tự điều chỉnh, bổ sung kế hoạch xây dựng QCĐP thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Thông tư 26/2019/TT-BKHCN.
Lưu ý: Trường hợp do yêu cầu cấp thiết của quản lý nhà nước tại địa phương, trình tự điều chỉnh, bổ sung kế hoạch hằng năm được rút ngắn để bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì lập và phê duyệt kế hoạch.
Chi tiết xem thêm quy định tại Thông tư 26/2019/TT-BKHCN, có hiệu lực từ 01/8/2020.
Lê Vy
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |