Ngày 18/6/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 59/2020/TT-BTC hướng lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động trợ giúp pháp lý.
Toàn bộ khoản chi hoạt động trợ giúp pháp lý từ 01/9/2020 (hình minh họa)
Theo đó, toàn bộ khoản chi hoạt động trợ giúp pháp lý từ 01/9/2020 được quy định tại Điều 3 Thông tư 59/2020/TT-BTC, cụ thể:
Thứ nhất, các khoản chi thanh toán cho cá nhân: Tiền lương, tiền công, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp, nếu có) theo quy định hiện hành; các khoản chi theo chế độ của cán bộ công chức, viên chức quy định tại Nghị định 144/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và các khoản thanh toán khác cho cá nhân theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, chi thanh toán dịch vụ công cộng; vật tư văn phòng; thông tin, liên lạc; sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên tài sản, trang thiết bị của đơn vị; mua sắm, thay thế trang thiết bị, phương tiện làm việc của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định; chi mua sách, báo, tài liệu phục vụ công tác trợ giúp pháp lý; chi thuê mướn (nếu có).
Thứ ba, chi hội nghị sơ kết, tổng kết; tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn; chi khen thưởng; chi đi công tác trong nước, chi các đoàn đi công tác nước ngoài và các khoản chi thường xuyên khác phục vụ hoạt động của cơ quan trợ giúp pháp lý nhà nước.
Thứ tư, các khoản chi liên quan đến nghiệp vụ trợ giúp pháp lý:
Chi thù lao thực hiện trợ giúp pháp lý đối với luật sư, cộng tác viên trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 4 Điều 13 và Điều 14 Nghị định 144/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ;
Các khoản chi phí cho người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng cần có thời gian thu thập chứng cứ hoặc xác minh làm rõ vụ việc thì được thanh toán chi phí phát sinh thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định tại Khoản 5 Điều 13 Nghị định 144/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ gồm: Các khoản phí phải nộp theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí và các chi phí hành chính khác phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện trợ giúp pháp lý (văn phòng phẩm, sao chụp tài liệu, chi phí liên lạc với người được trợ giúp pháp lý hoặc thân nhân của họ phục vụ trực tiếp cho việc thu thập chứng cứ hoặc xác minh làm rõ vụ việc trợ giúp pháp lý); chi công tác phí trong trường hợp đi công tác phục vụ giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý, xác minh người được trợ giúp pháp lý trong trường hợp nhận được thông báo, thông tin của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
Chi thực hiện công tác thông tin, truyền thông về trợ giúp pháp lý; tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng (phát thanh, truyền hình, báo chí), cổng thông tin điện tử và các hình thức khác (biên soạn, in ấn, phát hành tờ gấp, hộp tin, bảng thông tin, tài liệu khác);
Chi dịch thuật từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và ngược lại phục vụ hoạt động trợ giúp pháp lý;
đ) Chi phiên dịch (dịch nói) từ tiếng Việt sang tiếng dân tộc thiểu số và ngược lại phục vụ hoạt động trợ giúp pháp lý; chi phiên dịch về ngôn ngữ trong trường hợp cần thiết khi người được trợ giúp pháp lý là người khuyết tật nghe, nói theo quy định tại Nghị định 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật;
Chi tạo lập cơ sở dữ liệu tin học hoá phục vụ công tác trợ giúp pháp lý; chi ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động trợ giúp pháp lý;
Chi tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng trợ giúp pháp lý đối với người thực hiện trợ giúp pháp lý;
Chi biên soạn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý;
Chi thực hiện việc kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; chi lấy ý kiến luật sư có kinh nghiệm, chuyên gia pháp luật độc lập với cơ quan có thẩm quyền đánh giá vụ việc trợ giúp pháp lý và cơ quan thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý (không bao gồm trợ giúp viên pháp lý và cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước) tham gia đánh giá hoặc tư vấn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý phức tạp theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Thông tư 12/2018/TT-BTP ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý;
Chi hoạt động phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng: Chi các đoàn công tác phối hợp; chi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; chi nghiên cứu, điều tra, khảo sát, tổ chức hội thảo, tọa đàm về công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động phối hợp liên ngành; chi kiểm tra, giám sát trong hoạt động phối hợp liên ngành; chi tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết; chi khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật phục vụ hoạt động trợ giúp pháp lý.
Xem thêm tại: Thông tư 59/2020/TT-BTC có hiệu lực từ 01/9/2020.
Thu ba
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |