Tố cáo là gì?

Khi bạn thấy ai đó đập phá hàng rào sát vườn cây ăn quả của nhà mình, làm một số cây trong vườn bị gãy, khu vực đất cận kề cũng bị xới tung lên, bạn sẽ báo lên cơ quan nhà nước về hành vi của người này, đây chính là tố cáo.

Theo quy định tại Luật tố cáo 2011, tố cáo là việc công dân theo thủ tục quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Công dân dù bị ảnh hưởng trực tiếp hay không bị ảnh hưởng bởi hành vi vi phạm pháp luật đều có quyền thực hiện việc tố cáo khi biết được có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong đời sống xã hội. Mục đích của hoạt động tố cáo là nhằm việc xử lý hành vi vi phạm và người có hành vi vi phạm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể được cho là bị gây thiệt hại, bảo vệ trật tự an toàn xã hội.

Khi công dân thực hiện quyền tố cáo thì sẽ phát sinh những quan hệ pháp luật nhất định như:

  • Người tố cáo là công dân thực hiện quyền tố cáo. Chủ thể này phải đảm bảo tính trung thực và chịu trách nhiệm về những thông tin mà mình cung cấp. Trong trường hợp người tố cáo cố tình cung cấp sai sự thật thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống quy định tại Điều 122 Bộ luật hình sự 1999.
  • Người bị tố cáo là cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi bị tố cáo, đây là người được cho là có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
  • Người giải quyết tố cáo là cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo thông qua các hoat động: tiếp nhận, xác minh, kết luận về nội dung tố cáo và xử lý tố cáo.

Xem thêm quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo tại Chương 2 Luật tố cáo 2011.

Nội dung tố cáo rất đa dạng và phong phú như: tố cáo về những việc làm trái pháp luật của cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo về những sai phạm trong công tác quản lý của các cơ quan, trong đó có cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Ngoài ra, công dân có thể tố cáo các hành vi vi phạm về đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức… Tuy nhiên, khi thực hiện quyền tố cáo công dân có thể gặp phải một số rủi ro như: bị hành hung, đe dọa, ức hiếp, trả thù, do đó công dân có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ. Ngoài ra, khi thực hiện quyền tố cáo, công dân còn được khen thưởng theo quy định tại Nghị định 76/2012/NĐ-CP 

Quyền tố cáo của công dân thể hiện quyền làm chủ của chính công dân đó trong việc quản lý, xây dựng và củng cố bộ máy nhà nước. Tố cáo là phương tiện bảo đảm cho việc thực hiện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của xã hội. Thông qua hoạt động tố cáo có thể phản ánh tình trạng pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước, góp phần củng cố mối liên hệ giữa nhà nước và công dân.

Những văn bản có liên quan:

Nghị định 91/2013/NĐ-CP tố cáo giải quyết trong công an nhân dân

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

8366 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;