Tình hình triển khai hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2023

Tình hình triển khai hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2023
Quốc Tuấn

Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn về tình hình triển khai hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2023.

Tình hình triển khai hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2023

Tình hình triển khai hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2023 (Hình từ internet)

Ngày 07/6/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn 3962/VPCP-DMDN về tình hình triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏNghị định 80/2021/NĐ-CP trong năm 2023.

Tình hình triển khai hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2023

Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tờ trình số 11068/TTr-BKHĐT ngày 29 tháng 12 năm 2023) về việc báo cáo tình hình triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ năm 2023, Phó Thủ tướng có ý kiến như sau:

(1) Các Bộ, ngành, địa phương:

- Các Bộ cần tiếp tục đẩy nhanh việc công nhận tư vấn viên thuộc ngành, lĩnh vực quản lý để mở rộng mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV); chia sẻ cơ sở dữ liệu tư vấn viên đã được Bộ công nhận cho các địa phương (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở chuyên ngành) để thuận lợi trong công tác hỗ trợ DNNVV trên địa bàn; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tư vấn cho các tư vấn viên trong mạng lưới. Các Bộ, ngành tích cực chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp mở rộng mạng lưới tư vấn viên pháp luật hỗ trợ pháp lý cho DNNVV theo quy định tại Nghị định 55/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ.

- Tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ DNNVV có trọng tâm, trọng điểm, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước. Theo đó, hỗ trợ DNNVV phục hồi sản xuất kinh doanh thông qua ứng dụng các nền tảng công nghệ số để chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, hỗ trợ bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ tư vấn đổi mới công nghệ; phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV (ưu tiên hình thức đào tạo trực tuyến và đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp); hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực xuất khẩu chủ lực (công nghiệp dệt may, da giày, điện tử, chế biến chế tạo); các ngành có lợi thế, tiềm năng (chế biến thực phẩm, chế biến nông sản). Chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng cứng (mặt bằng sản xuất kinh doanh, điện, nước…) và hạ tầng mềm (cơ chế chính sách ưu đãi, đào tạo nguồn nhân lực) để đón đầu các doanh nghiệp trong hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn và năng lượng mới (hydrogen).

- Tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác truyền thông về chính sách hỗ trợ DNNVV để thu hút sự tham gia của các DNNVV có nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng các chính sách.

- Các địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực (vốn, mặt bằng sản xuất, công nghệ…) để đẩy mạnh triển khai hiệu quả các nội dung, Chương trình, Kế hoạch, Đề án hỗ trợ DNNVV đã được phê duyệt theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; chủ động lồng ghép các hoạt động hỗ trợ DNNVV trong thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ khác phù hợp.

- Tăng cường nâng cao nhận thức, đào tạo tư vấn cho doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị đầy đủ về kiến thức, năng lực để đáp ứng các yêu cầu của đối tác, của thị trường và quy định pháp lý trong nước và quốc tế về kinh doanh bền vững.

- Đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết 66/NQ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

(2) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Nghiên cứu, phối hợp với các Bộ, cơ quan để thống nhất phương án xử lý các vướng mắc trong việc hướng dẫn hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ theo ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại công văn 2651/VPCP-ĐMDN ngày 18 tháng 4 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ.

- Đẩy mạnh triển khai các chương trình, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số bao trùm, “chuyển đổi kép” (chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh và bao trùm). Khẩn trương tổ chức, triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025 nhằm thúc đẩy phát triển các mô hình kinh doanh bền vững, bao trùm, hướng tới dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế theo hướng xanh và bền vững.

- Thúc đẩy việc cho vay của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại các Nghị định số: 39/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2019 và 45/2024/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ.

- Thúc đẩy hoạt động hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cơ sở Hòa Lạc.

(3) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

- Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng nguồn vốn tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, trong đó có DNNVV; đa dạng hóa sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển các sản phẩm mới; rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn, đáp ứng nhu cầu vốn của các DNNVV, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ.

- Triển khai các giải pháp thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm thu hút nguồn vốn xanh hỗ trợ các DNNVV thực hiện các dự án thuộc danh mục phân loại xanh.

(4) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

Trong năm 2024, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2015/TT- BLĐTBXH ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định mức lương đối với chuyên gia tư vấn trong nước làm cơ sở dự toán gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn áp dụng hình thức hợp đồng theo thời gian sử dụng vốn nhà nước, đảm bảo các định mức hỗ trợ tư vấn phù hợp với thực tế thị trường.

(5) Bộ Công Thương:

- Tiếp tục triển khai các giải pháp hiệu quả nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hơn nữa triển khai thương mại điện tử, xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát huy các FTA đã ký kết; tranh thủ cơ hội xuất khẩu của từng thị trường, mặt hàng; nâng cao chất lượng công tác dự báo cung cầu ngành hàng, sản phẩm, thị trường để kịp thời hỗ trợ thông tin phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu; khai thác hiệu quả thị trường nội địa.

- Xây dựng chiến lược tổng thể quốc gia về phát triển các ngành cũng như các đề án phát triển thương hiệu cho các sản phẩm là thế mạnh và có lợi thế cạnh tranh cao của Việt Nam; hình thành các trung tâm triển lãm có tầm khu vực và quốc tế tại các trung tâm kinh tế lớn như thành phố Hồ Chí Minh (đã có nhưng quy mô còn rất nhỏ), Hà Nội, Đà Nẵng.

Xem chi tiết nội dung tại Công văn 3962/VPCP-DMDN ngày 17/6/2024.

 

108 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;