Xin hỏi tiêu chuẩn và hình thức khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ như thế nào? - Ngọc Phước (Hải Phòng)
Tiêu chuẩn và hình thức khen thưởng trong hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (Hình từ internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Nội dung được đề cập tại Hướng dẫn 836/HD-BNV ngày 21/02/2024 khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2024) do Bộ Nội vụ ban hành.
1.1 Mục đích
- Cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, qua đó, góp phần khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, tôn vinh, tri ân sâu sắc tới các thế hệ người Việt Nam đã hy sinh xương máu và có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đồng thời, ra sức phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị trong năm 2024, thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
- Kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng và nhân rộng các tập thể, cá nhân tích cực tham gia, có nhiều thành tích trong các hoạt động kỷ niệm.
1.2 Yêu cầu
- Việc khen thưởng phải đảm bảo đúng quy định, kịp thời, công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan gắn với kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao.
- Công tác bình chọn, xét khen thưởng được thực hiện đúng quy trình, thủ tục, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Tập thể, cá nhân được khen thưởng phải thực sự tiêu biểu, có nhiều đổi mới, sáng tạo.
2.1 Tiêu chuẩn khen thưởng
* Tập thể:
- Nội bộ đoàn kết, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.
- Có nhiều thành tích trong công tác chuẩn bị, tổ chức, triển khai các hoạt động kỷ niệm, được cấp có thẩm quyền công nhận.
- Có nhiều hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm phù hợp về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ.
* Cá nhân:
- Gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.
- Có nhiều thành tích trong công tác tham mưu, chuẩn bị, tổ chức, triển khai các hoạt động kỷ niệm, được cấp có thẩm quyền công nhận.
- Là tấm gương tiêu biểu, có hành động, việc làm thiết thực; có sáng kiến, giải pháp sáng tạo, hiệu quả trong triển khai, thực hiện các hoạt động kỷ niệm, góp phần vào thành công của các hoạt động kỷ niệm.
2.2 Hình thức khen thưởng
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
- Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, người đứng đầu các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Bằng khen cấp bộ, tỉnh)
- Giấy khen
2.3 Số lượng khen thưởng
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: Các bộ, ban, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các đoàn thể nhân dân, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết tắt là bộ, ngành, tỉnh) trực tiếp tham gia các hoạt động kỷ niệm cấp Nhà nước lựa chọn, đề nghị không quá 02 trường hợp (tập thể hoặc cá nhân), riêng tỉnh Điện Biên, Bộ Quốc Phòng lựa chọn, đề nghị không quá 04 trường hợp (tập thể hoặc cá nhân) để đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
- Bằng khen cấp bộ, tỉnh; Giấy khen: do các bộ, ngành, tỉnh xem xét, quyết định.
Nguyễn Ngọc Quế Anh
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |