Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với chức danh hộ sinh hạng III từ 01/3/2025 là nội dung được quy định trong Thông tư 02/2025/TT-BYT.
Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với chức danh hộ sinh hạng III từ 01/3/2025 (Hình từ Internet)
Ngày 09/01/2025, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 02/2025/TT-BYT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y.
Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 02/2025/TT-BYT thì tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với chức danh hộ sinh hạng III bao gồm:
- Đối với tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
+ Có bằng tốt nghiệp đại học ngành Hộ sinh trở lên;
+ Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hộ sinh hoặc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh hoặc có giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
- Đối với tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:
+ Có hiểu biết về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân;
+ Thực hiện thành thạo danh mục chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề hộ sinh;
+ Có hiểu biết các nguyên tắc trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản;
+ Có năng lực giao tiếp, thuyết trình và ứng xử linh hoạt, kỹ năng làm việc nhóm, làm việc độc lập;
+ Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ (hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số) theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Ngoài ra, tại Điều 9 Thông tư 02/2025/TT-BYT thì Bộ Y tế còn quy định về các nhiệm vụ của chức danh hộ sinh hạng III bao gồm:
- Chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh, người bệnh và người sử dụng dịch vụ:
+ Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề chức danh hộ sinh phù hợp với phạm vi chuyên môn và trình độ đào tạo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
+ Thực hiện chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh, người bệnh và người sử dụng dịch vụ: khám, nhận định tình trạng sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh, người bệnh, xác định vấn đề ưu tiên cần chăm sóc của từng đối tượng; lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá kết quả chăm sóc; ra chỉ định chăm sóc, theo dõi phù hợp;
+ Triển khai các kỹ thuật mới trong chăm sóc trước sinh, trong sinh, sau sinh, phụ khoa, phá thai, kế hoạch hoá gia đình, sơ sinh.
- Chăm sóc sức khỏe sinh sản tại cộng đồng:
+ Lập kế hoạch, khám và quản lý thai đối với sản phụ trong trường hợp sản phụ không thể đến cơ sở y tế;
+ Lập kế hoạch, thực hiện, giám sát, đánh giá việc khám, chăm sóc bà mẹ thời kỳ mang thai và chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh giai đoạn sau sinh tại nhà;
+ Quản lý về chuyên môn, giám sát, hỗ trợ hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, kế hoạch hoá gia đình tại cộng đồng;
+ Tham gia chăm sóc sức khỏe ban đầu và chương trình mục tiêu quốc gia.
- Truyền thông, giáo dục, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản:
+ Xác định nhu cầu và nội dung cần hướng dẫn, giáo dục sức khỏe trước sinh, trong sinh, sau sinh, phụ khoa, phá thai, kế hoạch hoá gia đình, sơ sinh;
+ Tư vấn, truyền thông, giáo dục sức khỏe trước sinh, trong sinh, sau sinh, phụ khoa, phá thai, kế hoạch hoá gia đình, sơ sinh;
+ Tư vấn cho người bệnh hoặc gia đình người bệnh lựa chọn dịch vụ trong lĩnh vực hộ sinh phù hợp.
- Sử dụng, quản lý thiết bị y tế phục vụ chăm sóc hộ sinh trong phạm vi chuyên môn được phân công;
- Tham gia công tác chỉ đạo tuyến về chuyên môn kỹ thuật hộ sinh, triển khai phòng, chống dịch bệnh khi được phân công;
- Đào tạo và nghiên cứu khoa học:
+ Tham gia biên soạn chương trình, tài liệu chuyên môn; xây dựng quy chế, quy trình kỹ thuật chuyên môn hộ sinh; các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc hộ sinh;
+ Tham gia đào tạo, bồi dưỡng về lĩnh vực hộ sinh phù hợp với trình độ và phạm vi chuyên môn đối với viên chức, người học;
+ Chủ trì, tham gia nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp tỉnh, cấp cơ sở;
+ Tham gia các hội thảo, hội nghị chuyên môn hộ sinh.
Xem thêm tại Thông tư 02/2025/TT-BYT có hiệu lực từ 01/3/2025.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |