Tiêu chuẩn cán bộ làm công tác kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân

Tiêu chuẩn cán bộ làm công tác kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân
Võ Ngọc Nhi

Xin hỏi là đối với cán bộ làm công tác kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân thì tiêu chuẩn được quy định thế nào? - Tấn Linh (An Giang)

Tiêu chuẩn cán bộ làm công tác kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân

Tiêu chuẩn cán bộ làm công tác kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân (Hình từ Internet)

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư 09/2021/TT-BCA ngày 20/01/2021 quy định về kiểm tra điều lệnh, quân sự, võ thuật Công an nhân dân

Theo đó, tiêu chuẩn cán bộ làm công tác kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân quy định như sau:

1. Tiêu chuẩn cán bộ làm công tác kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân

Tại Điều 3 Thông tư 09/2021/TT-BCA quy định về tiêu chuẩn, số lượng cán bộ làm công tác kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân như sau:

1.1. Tiêu chuẩn chung cán bộ làm công tác kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân

Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, chấp hành nghiêm điều lệnh Công an nhân dân; có trình độ, năng lực nghiệp vụ, pháp luật; nắm vững và thực hiện đúng các quy định về điều lệnh, quân sự, võ thuật và các quy định khác có liên quan đến công tác điều lệnh, quân sự, võ thuật.

1.2. Tiêu chuẩn cụ thể cán bộ làm công tác kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân

Cán bộ chuyên trách làm công tác kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân phải đảm bảo các điều kiện sau: Là sĩ quan nghiệp vụ, có trình độ trung cấp Công an trở lên, có thời gian công tác thực tế trong Công an từ 05 năm trở lên; đã được tập huấn điều lệnh, huấn luyện quân sự, võ thuật theo quy định về tập huấn điều lệnh, huấn luyện quân sự, võ thuật trong Công an nhân dân; được cấp Giấy kiểm tra điều lệnh;

Cán bộ bán chuyên trách làm công tác kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân phải đảm bảo các điều kiện sau: Có trình độ trung cấp Công an trở lên, nếu tốt nghiệp đại học ngành ngoài phải được bồi dưỡng nghiệp vụ Công an; có thời gian công tác thực tế trong Công an ít nhất 03 năm; có khả năng về công tác điều lệnh, quân sự, võ thuật đáp ứng được yêu cầu công tác điều lệnh đề ra;

Lưu ý:

Không phân công cán bộ chuyên trách làm công tác kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân đối với các đồng chí: Là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật; bị kỷ luật đảng, chính quyền, đoàn thể trong thời gian 05 năm liền kề với thời điểm phân công; có kết quả phân loại cán bộ đạt mức hoàn thành nhiệm vụ trong 02 năm liền và không hoàn thành nhiệm vụ trong 01 năm gần nhất.

2. Số lượng cán bộ làm công tác kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân

- Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Công an cấp tỉnh), học viện, trường Công an nhân dân (trừ trường Văn hóa) bố trí từ 03 đến 05 cán bộ chuyên trách và một số cán bộ kiêm nhiệm.

Đối với Công an thành phố Hà Nội và Công an thành phố Hồ Chí Minh bố trí từ 05 cán bộ chuyên trách trở lên; số lượng cụ thể do Thủ trưởng đơn vị quyết định;

- Các đơn vị trực thuộc Bộ Công an bố trí từ 01 đến 03 cán bộ chuyên trách và một số cán bộ kiêm nhiệm.

Đối với Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Cục quản lý xuất nhập cảnh bố trí từ 03 đến 05 cán bộ chuyên trách và một số cán bộ kiêm nhiệm; số lượng cụ thể do Thủ trưởng đơn vị quyết định;

- Công an quận, huyện, thị xã, thành phố, đồn và tương đương thuộc Công an cấp tỉnh; trung đoàn, thủy đoàn, tiểu đoàn, thủy đội, đại đội độc lập thuộc Trung đoàn bố trí tổ điều lệnh bán chuyên trách gồm một số cán bộ kiêm nhiệm; số lượng do Thủ trưởng đơn vị quyết định;

- Đơn vị cấp đội, xã, phường, thị trấn, trạm, căn cứ tình hình thực tế, Thủ trưởng đơn vị phân công cán bộ kiêm nhiệm thực hiện công tác kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân.

3. Nhiệm vụ của cán bộ kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân

Tại Điều 4 Thông tư 09/2021/TT-BCA quy định về nhiệm vụ của cán bộ kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân như sau:

- Thực hiện kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân theo quy định tại Thông tư 09/2021/TT-BCA.

- Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Công tác đảng và công tác chính trị và Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương về công tác kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân.

- Tham mưu, hướng dẫn Công an đơn vị, địa phương và cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thực hiện đúng quy định về điều lệnh, quân sự, võ thuật.

- Đề xuất biểu dương, khen thưởng đơn vị, cá nhân thực hiện tốt quy định về điều lệnh, quân sự, võ thuật.

- Nhắc nhở, chấn chỉnh hoặc đề nghị xử lý kịp thời đơn vị, cán bộ, chiến sĩ vi phạm điều lệnh Công an nhân dân.

- Đề xuất cấp có thẩm quyền biện pháp khắc phục vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy định về công tác điều lệnh Công an nhân dân.

4. Quyền hạn của cán bộ kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân

Căn cứ Điều 5 Thông tư 09/2021/TT-BCA quy định về quyền hạn của cán bộ kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân như sau:

- Nhắc nhở, chấn chỉnh, lập biên bản vi phạm điều lệnh Công an nhân dân

+ Lãnh đạo, cán bộ Phòng Điều lệnh, quân sự, võ thuật thuộc Cục Công tác đảng và công tác chính trị được nhắc nhở, chấn chỉnh, lập biên bản và yêu cầu xử lý đối với đơn vị, cán bộ, chiến sĩ vi phạm điều lệnh Công an nhân dân trong toàn lực lượng Công an;

+ Lãnh đạo, cán bộ kiểm tra điều lệnh Công an đơn vị, địa phương được:

Nhắc nhở, chấn chỉnh, lập biên bản và đề nghị xử lý đối với đơn vị, cán bộ, chiến sĩ vi phạm điều lệnh Công an nhân dân thuộc đơn vị, địa phương mình.

Nhắc nhở, chấn chỉnh, lập biên bản đối với cán bộ, chiến sĩ, học viên của đơn vị, địa phương khác, học viện, trường Công an nhân dân đến công tác, học tập, sinh hoạt tại đơn vị, địa phương mình nếu có vi phạm điều lệnh Công an nhân dân; đối với cán bộ, chiến sĩ, học viên của các cơ quan, đơn vị, học viện, trường Công an nhân dân đóng quân trên địa phương mình khi những cán bộ, chiến sĩ, học viên đó vi phạm điều lệnh Công an nhân dân ngoài cơ quan, doanh trại đóng quân.

Sau khi kiểm tra, lập biên bản, phải gửi thông báo bằng văn bản cho đơn vị, địa phương quản lý cán bộ vi phạm biết để xử lý theo quy định, đồng thời gửi thông báo về Cục Công tác đảng và công tác chính trị để theo dõi chung.

- Tạm giữ tài liệu, phương tiện, đồ vật có liên quan đến lỗi vi phạm điều lệnh Công an nhân dân để phục vụ công tác xử lý. Việc tạm giữ phải lập biên bản theo Mẫu số 06 ban hành kèm theo Thông tư này.

- Được sử dụng các phương tiện, kỹ thuật như: Ô tô, mô tô, máy ghi hình (camera), máy chụp ảnh, máy ghi âm, máy đo nồng độ cồn khi thực hiện nhiệm vụ.

- Được hóa trang (không mặc trang phục Công an nhân dân) khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra bí mật và kiểm tra bí mật kết hợp với công khai.

- Yêu cầu cán bộ, chiến sĩ vi phạm điều lệnh Công an nhân dân về trụ sở cơ quan hoặc đơn vị Công an nơi gần nhất để giải quyết.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

3729 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;