Tiếp tục rà soát chính sách tiền lương với nhà giáo, nhất là vùng ĐBKK

Tiếp tục rà soát chế độ làm việc và các chính sách tiền lương đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác trong các cơ sở giáo dục công lập nói chung (đặc biệt là đối với vùng DTTS&MN, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo)…

Tiếp tục rà soát chính sách tiền lương với nhà giáo, nhất là vùng ĐBKK

Tiếp tục rà soát chính sách tiền lương với nhà giáo, nhất là vùng ĐBKK (Hình từ internet)

Tiếp tục rà soát chính sách tiền lương với nhà giáo, nhất là vùng ĐBKK

Đây là nội dung tại Quyết định 1515/QĐ-BGDĐT năm 2023 về Kế hoạch thực hiện Quyết định 1657/QĐ-TTg về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Cụ thể, các nhiệm vụ giải pháp của kế hoạch bao gồm:

1. Chỉ đạo rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đảm bảo cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý, phù hợp với quy hoạch, điều kiện thực tế của địa phương và có lộ trình hợp lý; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh; đáp ứng được các yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giữ vững thành quả phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập trung học cơ sở, xóa mù chữ và chống tái mù chữ. Tập trung chỉ đạo duy trì số lượng trẻ em, học sinh trong độ tuổi đi học; chủ động, tích cực phối hợp với các lực lượng xã hội huy động tối đa trẻ em, học sinh người DTTS trong độ tuổi đến trường; duy trì sỹ số học sinh, bảo đảm tỷ lệ học sinh chuyên cần, giảm tỉ lệ học sinh bỏ học, nghỉ học vào dịp lễ tết, mùa vụ.

3. Ưu tiên đầu tư các nguồn lực triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 - 2030”, đảm bảo tất cả trẻ em DTTS được tiếp cận và chăm sóc giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non có chất lượng, phù hợp với văn hóa và ngôn ngữ, chuẩn bị tiếng Việt, giúp trẻ phát triển toàn diện và sẵn sàng bước vào cấp tiểu học.

4. Đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích và phòng ngừa các loại dịch bệnh; chú trọng các biện pháp bảo đảm an toàn trường học, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, giáo dục thể chất, hoạt động thể thao nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc đối với trẻ em, học sinh vùng DTTS&MN.

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, học sinh DTTS và dạy tiếng DTTS phù hợp với nhu cầu, năng lực và năng khiếu của từng nhóm đối tượng nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh DTTS và giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc.

5. Chỉ đạo thực hiện hiệu quả các Chương trình, đề án, dự án đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị trường học, nhất là nhiệm vụ được giao trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời huy động các nguồn vốn, vận động thu hút sự hỗ trợ về vật chất và kỹ thuật của các tổ chức, cá nhân, đối tác phát triển để tăng cường đầu tư, phát triển giáo dục vùng DTTS&MN.

6. Ưu tiên nguồn lực để triển khai thực hiện có hiệu quả Tiểu dự án 1 "Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường PTDTNT, trường PTDTBT và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS" của Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, nhằm tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục và công tác tạo nguồn đào tạo nhân lực có chất lượng cho vùng đồng bào DTTS&MN; bảo đảm thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục giữa các vùng, miền và dân tộc; tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả công tác XMC tại vùng đồng bào DTTS&MN.

Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng các xã vùng đồng bào DTTS&MN.

7. Bảo đảm bố trí đủ số lượng, cơ cấu và chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo các cấp học, bậc học ở vùng DTTS&MN.

Tiếp tục rà soát chế độ làm việc và các chính sách tiền lương đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác trong các cơ sở giáo dục công lập nói chung (đặc biệt là đối với vùng DTTS&MN, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo) làm cơ sở để xây dựng chế độ làm việc của giáo viên đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đề xuất các chính sách tiền lương mới phù hợp với vị trí việc làm và tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Ưu tiên bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đang công tác tại vùng DTTS&MN, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.

8. Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực chủ yếu đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN.

Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chính sách cử tuyển và dự bị đại học nhằm tăng tỷ lệ người DTTS, đặc biệt là các DTTS trong nhóm có khó khăn đặc thù học các chương trình đào tạo đại học và chương trình đào tạo cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.

Nghiên cứu, đề xuất xây dựng Đề án đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người DTTS trong các ngành/nhóm ngành/lĩnh vực: sức khỏe (chủ yếu là Y khoa và Dược học), công nghệ thông tin, nông nghiệp, tài chính - ngân hàng, đào tạo giáo viên trình độ đại học và ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng.

9. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chính sách phát triển giáo dục dân tộc; nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách cho trẻ em, học sinh, sinh viên ở vùng DTTS&MN, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em, học sinh thuộc đối tượng hưởng chính sách.

10. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường chuyển đổi số trong quản lý giáo dục dân tộc.

Xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác sử dụng phân hệ cơ sở dữ liệu về giáo dục dân tộc thuộc hệ thống cơ sở dữ liệu toàn ngành về GDĐT; quản lý thống nhất các chỉ số đánh giá về giáo dục dân tộc; quy định cơ chế theo dõi, báo cáo, đánh giá, giám sát, cập nhật dữ liệu hằng năm về giáo dục dân tộc phục vụ kịp thời công tác nghiên cứu, đề xuất chính sách thúc đẩy phát triển GDĐT vùng đồng bào DTTS&MN.

11. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm phổ biến, giáo dục và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội và Nhà nước đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN; về phát triển giáo dục mầm non; đổi mới giáo dục và đào tạo, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Dương Châu Thanh

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

315 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;