Thuốc giả là gì?

Dưới góc độ pháp lý thuốc như thế nào được xem là thuốc giả và pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về các chế tài xử lý hành vi buôn bán thuốc giả? Những câu hỏi trên sẽ được làm rõ hơn trong bài viết này của Thư Ký Luật.

 

Thuốc giả được định nghĩa tại Khoản 33 Điều 2 Luật Dược 2016 theo phương pháp liệt kê. Cụ thể, thuốc giả là thuốc được sản xuất thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Không có dược chất, dược liệu;
  • Có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu;
  • Có dược chất, dược liệu nhưng không đúng hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu, trừ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định tại Khoản 32 Điều 3 Luật dược 2016 trong quá trình bảo quản, lưu thông phân phối;
  • Được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nước xuất xứ.

Trước đây Luật Dược 2005 (có hiệu lực từ 01/10/2005 đến 31/12/2016) cũng đưa ra định nghĩa về thuốc giả (Khoản 24 Điều 2). Theo đó: Thuốc giả là sản phẩm được sản xuất dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo, thuộc một trong những trường hợp sau đây:

  • Không có dược chất;
  • Có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đã đăng ký;
  • Có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn;
  • Mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác.

Hình minh họa

 

Theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành (Bộ luật Hình sự 1999) việc sản xuất, buôn bán thuốc giả nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự 1999 thì có thể bị phạt tù với mức án thấp nhất là 2 năm tù và cao nhất là án tử hình dành cho tội phạm sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể phải chịu các hình phạt bổ sung như: Phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018) có Điều luật riêng quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh với khung hình phạt cao nhất là tử hình, xử lý hình sự pháp nhân thương mại phạm tội này với mức phạt thấp nhất là 1 tỷ đồng, cao nhất là 20 tỷ đồng và có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

4894 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;