Nội dung đề cập tại Kế hoạch 185/KH-UBND ngày 17/6/2024 thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2024.
Thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu tại Hà Nội năm 2024 (Hình từ internet)
Các giải pháp thực hiện và nâng cao hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu tại Hà Nội năm 2024 như sau:
- Tăng cường công tác phối hợp với các cục, vụ của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hỗ trợ cung cấp, dự báo thông tin tình hình thị trường, giá cả nông sản hàng tháng hoặc theo mùa vụ trên các phương tiện thông tin, nắm chắc thông tin thị trường cung cầu hàng hóa nông sản để làm cơ sở giúp các nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp linh hoạt điều chỉnh nghiên cứu, sản xuất kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường và chủ động tìm nguồn đầu ra cho nông sản, ổn định giá cả, thị trường. Các doanh nghiệp căn cứ theo nhu cầu của thị trường để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh cụ thể, chi tiết để chủ động sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra trong quá trình sản xuất.
- Không ngừng mở rộng đối tượng tham gia Chương trình là các cơ sở ở các tỉnh, thành phố trên cả nước để đảm bảo được nguồn cung ứng từ bên ngoài thành phố.
- Đề xuất các cơ chế chính sách huy động mọi nguồn lực thực hiện Chương trình, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Chương trình, thu hút nhiều doanh nghiệp có uy tín, có năng lực quy mô sản xuất lớn, có chất lượng sản phẩm tốt… tham gia nhằm đảm bảo nguồn hàng dự trữ ổn định, phục vụ tốt, giá cả bình ổn.
- Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng thương mại để tăng các điểm phục vụ cố định trên địa bàn các quận, huyện, thị xã nhất là các vùng ngoại thành (siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng trong các chợ dân sinh, tuyến phố…); đẩy mạnh phát triển hệ thống chuỗi, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn… đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng của nhân dân, đáp ứng các quy định về ATTP, văn minh thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng hệ thống kho bãi, logistics khoa học, đáp ứng được nhu cầu dự trữ hàng hóa, đảm bảo công tác bảo quản hàng hóa theo quy định, lưu thông hàng hóa thông suốt, hạ giá thành sản phẩm…; đẩy mạnh phát triển bán hàng online, hotline…
- Rà soát, nắm bắt các cơ sở sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt để hỗ trợ các doanh nghiệp tạo nhiều sản lượng, sản phẩm (gia súc, gia cầm, thực phẩm chế biến, trứng các loại, rau, củ, quả…), phát triển mở rộng thêm các vùng chăn nuôi, sản xuất đảm bảo nguồn cung ổn định cho thị trường Hà Nội đáp ứng các quy định về ATTP.
- Tăng cường công tác liên kết vùng giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước để đẩy mạnh khai thác hàng hóa, chủ động nguồn cung phục vụ nhu cầu nhân dân.
Tổ chức có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ, tiêu thụ nông sản tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố (Hội nghị giao thương, hội chợ…) và tiến tới xuất khẩu (đưa sản phẩm vào chế biến, tham gia các tuần hàng Việt của Hà Nội tổ chức tại Pháp, Nhật, Ý, Thái Lan…) nâng giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân, phát triển sản xuất ổn định, bền vững. Hỗ trợ cung cấp thông tin các điều kiện của sản phẩm, của cơ sở sản xuất để đưa hàng hóa vào kênh phân phối; tư vấn thiết kế mẫu mã, bao gói, bảo quản sản phẩm… Thường xuyên thông tin tới các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu có uy tín danh sách chi tiết sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội, từ đó nghiên cứu, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp lâu dài cho nhân dân để chủ động kế hoạch sản xuất.
Tổ chức thực hiện tốt Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Thành phố, gắn với Chương trình Bình ổn thị trường để đẩy mạnh công tác đưa hàng hóa bình ổn thị trường về các vùng ngoại thành, các khu công nghiệp giúp người dân được tiếp cận, mua sắm nhiều mặt hàng thuộc Chương trình, nhất là trong các dịp Lễ, Tết.
- Tăng cường xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn. Đặc biệt xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, HACCP, GMP, sản xuất theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao...; tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản theo hướng chuyên canh tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GAP, HACCP, ISO…) nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, giá trị gia tăng sản phẩm.
Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa về công nghệ, kỹ thuật, tiêu chuẩn, chất lượng, tham gia liên kết ngành, chuỗi giá trị nông sản trên địa bàn Thành phố.
Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản. Phát triển, duy trì Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội (www.check.hanoi.gov.vn), sẵn sàng kết nối vào Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia góp phần minh bạch thông tin đến người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh trạnh của doanh nghiệp.
- Tăng cường kết nối các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường với các tổ chức tín dụng để được tiếp cận vay vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng phục vụ sản xuất - kinh doanh.
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để Chương trình đạt hiệu quả cao. Hỗ trợ truyền thông cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình để thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
- Hỗ trợ cấp phép cho xe các doanh nghiệp tham gia Chương trình chở hàng hóa thiết yếu hoạt động 24/24h trên địa bàn Thành phố để đảm bảo hàng hóa được luân chuyển liên tục, kịp thời phục vụ nhu cầu nhân dân trên địa bàn Thành phố.
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, đầu cơ tích trữ và các hành vi kinh doanh trái phép khác, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, giá cả hàng hóa…để người tiêu dùng thật sự tin tưởng các sản phẩm của chương trình, đảm bảo thị trường lành mạnh, tạo điều kiện SXKD bình đẳng cho các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các vi phạm.
- Xây dựng đường dây nóng, tiếp nhận phản hồi các thông tin phản ánh từ doanh nghiệp, người tiêu dùng, thông tin biến động về hàng hóa, giá cả thị trường; theo dõi sát tình hình, xây dựng kịch bản ứng phó để xử lý và triển khai kịp thời các biện pháp trong trường hợp thị trường hàng hóa có xảy ra biến động.
Xem thêm nội dung tại Kế hoạch 185/KH-UBND ngày 17/6/2024.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |