Thủ tục hải quan và chính sách thuế đối với hàng sản xuất XK được chỉ định giao hàng

Mới đây, Tổng cục Hải quan đã có Công văn 4594/TCHQ-TXNK về giải đáp vướng mắc liên quan đến hàng SXXK được thương nhân nước ngoài chỉ định giao hàng tại Việt Nam.

Ảnh minh họa

Theo đó, thủ tục hải quan và chính sách thuế đối với trường hợp doanh nghiệp chế xuất bán hàng cho thương nhân nước ngoài nhưng giao hàng cho doanh nghiệp chế xuất khác theo chỉ định của thương nhân nước ngoài như sau:

1. Về thủ tục hải quan

Căn cứ khoản 1 Điều 15 Nghị định 69/2018/NĐ-CP, trừ trường hợp hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, thương nhân được tạm nhập hàng hóa vào Việt Nam theo hợp đồng ký với nước ngoài để phục vụ mục đích bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn hoặc để sử dụng vì mục đích khác trong một khoảng thời gian nhất định rồi tái xuất chính hàng hóa đó ra khỏi Việt Nam.

Căn cứ Điều 41 Nghị định 69/2018/NĐ-CP, bên nhận gia công được thuê, mượn máy móc, thiết bị của bên đặt gia công để thực hiện hợp đồng gia công; việc thuê, mượn hoặc tặng máy móc, thiết bị phải được thỏa thuận trong hợp đồng gia công.

Đồng thời, căn cứ Điều 50 Nghị định 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 23 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP và Khoản 2 Điều 61 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 40 Điều 1 Thông tư 39/2015/TT-BTC thì:

- Trường hợp hàng hóa thuê, mượn theo thỏa thuận trong hợp đồng gia công thì doanh nghiệp được chỉ định nhận hàng thực hiện thủ tục TNTX theo quy định tại Khoản 2 Điều 61 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 40 Điều 1 Thông tư 39/2015/TT-BTC.

- Trường hợp hàng hóa là khuôn mẫu TNTX theo hợp đồng mượn khuôn thì doanh nghiệp được chỉ định nhận hàng căn cứ thực tế hàng hóa thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định 69/2018/NĐ-CP ; thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 50 Nghị định 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 23 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP.

2. Về chính sách thuế

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, khu phi thuế quan là khu vực kinh tế nằm trong lãnh thổ Việt Nam, được thành lập theo quy định của pháp luật, có ranh giới địa lý xác định, ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện, hành khách xuất cảnh, nhập cảnh; quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế quan với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.

Theo Điểm c khoản 4 Điều 2 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 thì hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác không thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định 134/2016/NĐ-CP, hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất, kho bảo thuế, kho ngoại quan và các khu phi thuế quan khác phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; hàng hóa nhập khẩu từ doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất, kho bảo thuế, kho ngoại quan và các khu phi thuế quan khác phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu vào thị trường trong nước thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Đồng thời, theo Khoản 9 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định hoặc phục vụ gia công cho thương nhân nước ngoài, trừ trường hợp máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Từ các quy định nêu trên có thể thấy, trường hợp doanh nghiệp chế xuất bán hàng cho công ty nước ngoài nhưng giao hàng cho DNCX khác theo chỉ định của bên nước ngoài, doanh nghiệp được chỉ định nhận hàng đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 thì hàng hóa không thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu.

Trường hợp doanh nghiệp được chỉ định nhận hàng là doanh nghiệp nội địa đã ký hợp đồng gia công với công ty nước ngoài, hàng hóa là khuôn mẫu tạm nhập theo thỏa thuận trong hợp đồng gia công thì được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 9 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016.

Trường hợp doanh nghiệp được chỉ định nhận hàng là doanh nghiệp nội địa không có hợp đồng gia công với công ty nước ngoài thì hàng hóa là khuôn mẫu theo hợp đồng cho mượn (không thanh toán) không được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 9 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, doanh nghiệp được chỉ định nhận hàng phải kê khai, nộp thuế nhập khẩu theo quy định, khi tái xuất khuôn mẫu ra khỏi Việt Nam được hoàn lại thuế nhập khẩu đã nộp. Số tiền thuế nhập khẩu được hoàn xác định trên cơ sở trị giá sử dụng còn lại của hàng hóa khi tái xuất theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 19 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016.

Nguyễn Trinh 

2074 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;