Đây là một trong những nội dung quan trọng được quy định tại Thông tư 23/2014/TT-BVHTTDL Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2010/TT-BVHTTDL , ban hành ngày 22 tháng 12 năm 2014.
Thủ tục giải thể cơ sở hỗ trợ nạn nhân; cơ sở tư vấn về bạo lực gia đình (Ảnh minh họa)
Theo đó, về thẩm quyền giải thể cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 02/2010/TT-BVHTTDL được sửa đổi như sau:
1. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động quy định tại Điều 17 Nghị định 08/2009/NĐ-CP là cơ quan có thẩm quyền giải thể cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình trong các trường hợp sau đây:
a) Theo đề nghị của cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình;
b) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hoặc bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Trước khi giải thể, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính, tài sản theo quy định của pháp luật.
Khi bị giải thể, cơ sở phải chấm dứt các hoạt động khi nhận được Quyết định giải thể của cơ quan có thẩm quyền.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày ra Quyết định giải thể hoặc 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định giải thể theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 8 Thông tư 02/2010/TT-BVHTTDL, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình phải nộp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho cơ quan đã cấp để xoá tên khỏi Sổ đăng ký.
Xem chi tiết tại Thông tư 23/2014/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 20/02/2015.
Thùy Trâm
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |