Ngày 22/11/2019, Quốc hội chính thức thông qua Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019 .
Hình minh họa (nguồn internet)
Theo đó, tại Khoản 3 Điều 1 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019 sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 34 Luật Tổ chức Chính phủ 2015 đã bổ sung thêm quyền hạn cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, cụ thể:
- Thực hiện việc tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho từ chức, điều động, luân chuyển, biệt phái, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện phân cấp quản lý công chức, viên chức đối với các tổ chức, đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật.
- Quyết định thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật
- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho từ chức, điều động, luân chuyển, biệt phái, đình chỉ công tác, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu tổ chức, đơn vị trực thuộc
Bên cạnh đó, Luật mới này cũng sửa đổi cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cụ thể Vụ, văn phòng, thanh tra, cục, tổng cục, đơn vị sự nghiệp công lập có người đứng đầu. Tuy nhiên, phải lưu ý: Số lượng cấp phó của người đứng đầu tổng cục không quá 04; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm bình quân không quá 03 người trên một đơn vị.
Xem toàn văn quy định tại Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019 có hiệu lực từ 01/7/2020.
Thu Ba
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |