Bộ Công an vừa thống nhất ban hành Thông tư 46/2019/TT-BCA quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.
Theo đó, đối với người thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 hoặc người đại diện hoặc người thân thích của người thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa có đơn yêu cầu người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Nhà tạm giữ, Trại tạm giam thực hiện các quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư 46/2019/TT-BCA. Nếu người thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của người thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa không có đơn yêu cầu người bào chữa thì thực hiện như sau:
Hình minh họa (nguồn internet)
Trong thời hạn 03 ngày kể từ khi nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền mà người đại diện hoặc người thân thích của những người thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 không có đơn yêu cầu nhờ người bào chữa thì cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm thực hiện các thủ tục chỉ định người bào chữa được quy định tại khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Khi nhận được văn bản cử người được quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, trong thời hạn không quá 24 giờ, Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra có trách nhiệm gặp bị can thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người đại diện hoặc người thân thích của những người quy định tại điểm b khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 để họ có ý kiến về việc chỉ định người bào chữa; việc gặp phải được lập biên bản và ghi rõ ý kiến của bị can, người đại diện hoặc người thân thích về việc có đồng ý hoặc thay đổi hoặc từ chối người bào chữa. Trường hợp đồng ý chỉ định người bào chữa thì cơ quan đang thụ lý vụ án làm căn cứ để tiến hành thủ tục đăng ký bào chữa.
Trường hợp thay đổi người bào chữa, nếu bị can, người đại diện hoặc người thân thích nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan của người bào chữa đó để phân công; nếu không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm gửi đến một trong các cơ quan quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 để cử lại người.
Trường hợp từ chối người bào chữa thì cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đã cử người, người được cử chỉ định. Điều tra viên, Cán bộ điều tra có trách nhiệm thống nhất với người được cử chỉ định về thời gian gặp bị can thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người đại diện hoặc người thân thích của những người quy định tại điểm b khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 để xác nhận việc từ chối.
Xem toàn văn quy định tại Thông tư 46/2019/TT-BCA có hiệu lực từ 02/12/2019.
Thu Ba
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |