Đây là quy định đáng chú ý được đề cập tại Thông tư 38/2019/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2020-2022; kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, các bộ, cơ quan trung ương, Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có trách nhiệm báo cáo đánh giá tình hình đảm bảo kinh phí thực hiện điều chỉnh tiền lương. Nội dung báo cáo quy định tại Điều 7 Thông tư 38/2019/TT-BTC sau đây:
Hình minh họa (nguồn internet)
Thứ nhất, các bộ, cơ quan trung ương báo cáo về:
- Phần quỹ lương ngạch bậc, các khoản phụ cấp, khoản đóng góp theo lương của các cơ quan, đơn vị theo quy định bảo đảm từ nguồn chi quản lý bộ máy hoặc từ nguồn khoán chi.
- Phần quỹ lương ngạch bậc, các khoản phụ cấp, khoản đóng góp theo lương của các đối tượng có hệ số lương, ngạch bậc từ 1,86 trở xuống.
Nguồn kinh phí đảm bảo thực hiện điều chỉnh tiền lương năm 2019, trong đó làm rõ:
- Nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh tiền lương chưa sử dụng hết năm 2018 chuyển sang năm 2019 (nếu có);
- Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ, phù hợp với lộ trình kết cấu chi phí vào giá, phí dịch vụ sự nghiệp công. Phạm vi trích số thu được để lại thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về nhu cầu và nguồn cải cách tiền lương năm 2019;
- Nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2019 tăng thêm so với dự toán năm 2018 (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ);
- Nguồn chưa sử dụng hết năm 2019 chuyển sang năm 2020 thực hiện điều chỉnh lương cơ sở (nếu có).
Thứ hai, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo về:
Nhu cầu kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2019;
Nguồn kinh phí đảm bảo thực hiện cải cách tiền lương năm 2019, trong đó làm rõ:
- Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương chưa sử dụng hết năm 2018 chuyển sang năm 2019 (nếu có);
- Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ; riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35%. Phạm vi trích số thu được để lại thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về nhu cầu và nguồn cải cách tiền lương năm 2019.
- Nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ);
- Nguồn 50% tăng thu NSĐP theo quy định (không kể thu tiền sử dụng đất, từ từ hoạt động xổ số kiến thiết);
- Nguồn dành ra để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định từ giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập.
- Nguồn cải cách tiền lương năm 2019 còn dư (nếu có) sau khi thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành theo Quyết định 579/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ NSTW cho NSĐP thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2017-2020 (trong đó chi tiết nguồn cải cách tiền lương còn dư, số sử dụng cho các chính sách an sinh xã hội).
Xem thêm tại: Thông tư 38/2019/TT-BTC có hiệu lực từ 12/8/2019.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |