Thời hạn của giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép thăm dò nước dưới đất

Xin cho tôi hỏi thời hạn của giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép thăm dò nước dưới đất là bao lâu? Hoàng Minh - (Cần Thơ)

Thời hạn của giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép thăm dò nước dưới đất (Hình từ internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

Thời hạn của giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép thăm dò nước dưới đất

* Thời hạn của giấy phép khai thác tài nguyên nước được quy định như sau:

- Giấy phép khai thác nước mặt có thời hạn tối đa 10 năm, tối thiểu 05 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn 05 năm;

- Giấy phép khai thác nước biển có thời hạn tối đa 15 năm, tối thiểu 10 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn 10 năm;

- Giấy phép khai thác nước dưới đất có thời hạn tối đa 05 năm, tối thiểu 03 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn 03 năm;

- Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép với thời hạn ngắn hơn thời hạn tối thiểu quy định trên thì giấy phép được cấp theo thời hạn đề nghị trong đơn và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối đa không quá thời hạn giấy phép đã được cấp, gia hạn liền trước đó.

Trường hợp hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép khai thác tài nguyên nước của tổ chức, cá nhân nộp trước 45 ngày so với thời điểm giấy phép đó hết hiệu lực thì thời điểm hiệu lực ghi trong giấy phép gia hạn được tính nối tiếp với thời điểm hết hiệu lực của giấy phép đã được cấp trước đó.

* Giấy phép thăm dò nước dưới đất có thời hạn 02 năm và được xem xét gia hạn một lần, thời gian gia hạn không quá 01 năm. Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp, gia hạn giấy phép với thời hạn ngắn hơn thì giấy phép được cấp, gia hạn theo thời hạn đề nghị trong đơn.

(Điều 54 Luật Tài nguyên nước 2023)

Căn cứ cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép thăm dò nước dưới đất

Việc cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép thăm dò nước dưới đất phải dựa trên căn cứ sau đây:

- Quy hoạch về tài nguyên nước; quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có nội dung khai thác, sử dụng tài nguyên nước; khả năng đáp ứng của nguồn nước;

- Hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong vùng; yêu cầu về bảo vệ tài nguyên nước;

- Kết quả thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hồ sơ cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép thăm dò nước dưới đất theo quy định của Chính phủ;

- Nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước thể hiện trong đơn đề nghị cấp giấy phép.

Trường hợp cấp giấy phép khai thác nước dưới đất, giấy phép thăm dò nước dưới đất còn phải căn cứ vào ngưỡng khai thác nước dưới đất và kế hoạch bảo vệ nước dưới đất.

(Điều 56 Luật Tài nguyên nước 2023)

Điều kiện cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép thăm dò nước dưới đất

(1) Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Hoàn thành việc lấy ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân có liên quan về tác động của công trình khai thác nước;

- Việc khai thác tài nguyên nước phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước; quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có nội dung khai thác, sử dụng tài nguyên nước; khả năng đáp ứng của nguồn nước; khai thác nước dưới đất phù hợp với quy định liên quan đến vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định về bảo vệ nước dưới đất;

- Bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra theo quy định của Luật Tài nguyên nước 2023;

- Bảo đảm thông tin, số liệu sử dụng để lập đề án, báo cáo đầy đủ, chính xác.

(2) Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò nước dưới đất khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Có phương án thi công các hạng mục thăm dò nước dưới đất đáp ứng yêu cầu về bảo vệ nước dưới đất và phù hợp với quy định liên quan đến vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định về bảo vệ nước dưới đất;

- Bảo đảm thông tin, số liệu sử dụng để lập đề án đầy đủ, chính xác.

(3) Tổ chức khai thác nước mặt có xây dựng đập, hồ chứa trên sông, suối ngoài việc đáp ứng quy định tại (1), điểm b khoản 3 Điều 50 Luật Tài nguyên nước 2023 còn phải đáp ứng điều kiện sau đây:

- Có phương án về thiết bị, nhân lực để quan trắc khí tượng thủy văn, dự báo lượng nước đến hồ, vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước;

- Có quy trình vận hành hồ chứa theo quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước đối với trường hợp đã có công trình.

(Điều 57 Luật Tài nguyên nước 2023)

Xem thêm Luật Tài nguyên nước 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, trừ trường hợp sau đây:

- Việc tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cấp cho sinh hoạt theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 69 Luật Tài nguyên nước 2023 được thực hiện từ ngày 01/7/2025.

- Việc kê khai khai thác nước dưới đất của hộ gia đình quy định tại khoản 4 Điều 52 Luật Tài nguyên nước 2023 được thực hiện từ ngày 01/7/2026.

Luật Tài nguyên nước 2012 hết hiệu lực kể từ 01/7/2024, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 3 và 5 Điều 86 Luật Tài nguyên nước 2023.

Hồ Quốc Tuấn

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

352 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;