Tôi muốn biết thời giờ làm việc, nghỉ ngơi của công chức thanh tra Bộ LĐTBXH được quy định như thế nào? – Linh Anh (Bình Thuận)
Thời giờ làm việc, nghỉ ngơi của công chức thanh tra Bộ LĐTBXH (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Ngày 19/3/2024, Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định 115/QĐ-TTr về Quy chế làm việc của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Theo đó, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi của công chức thanh tra Bộ LĐTBXH được quy định như sau:
(1) Thời giờ làm việc của công chức và người lao động trong đơn vị theo quy định chung của Nhà nước và theo quy định của Bộ. Trường hợp nội dung công việc theo một kế hoạch nhất định thì quản lý theo công việc. Các trường hợp đặc biệt do thiên tai, dịch bệnh thì thời giờ làm việc, nghỉ ngơi thực hiện theo chỉ đạo của người có thẩm quyền.
(2) Thời giờ nghỉ ngơi
- Nghỉ phép năm
+ Chu kỳ nghỉ hằng năm là từ ngày mùng 1 tháng âm lịch cuối cùng của năm đó và hết tháng âm lịch đầu tiên của năm kế tiếp.
Trường hợp cán bộ, công chức, người lao động nghỉ hàng năm khác với chu kỳ nghỉ đã quy định phải báo cáo Chánh thanh tra xem xét, quyết định. Hết thời hạn này, nếu công chức, người lao động không nghỉ hàng năm thì không được trả lương của những ngày chưa nghỉ.
+ Công chức và người lao động phải đăng ký thời gian nghỉ hàng năm trước ít nhất 03 ngày, trường hợp đột xuất đăng ký trước ít nhất 01 ngày tại mục “quản lý nghỉ phép” trên phần mềm tác nghiệp điện tử/ethanhtra.
Trưởng phòng, Chánh thanh tra có trách nhiệm ghi ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý khi nhận được đăng ký nghỉ phép của từng cá nhân trước 01 ngày đối với nghỉ phép theo chu kỳ, trước 17h00 của ngày trước ngày đầu tiên xin nghỉ phép đối với trường hợp đột xuất.
+ Công chức, người lao động chỉ được nghỉ phép khi đã có ý kiến đồng ý của Trưởng phòng và Chánh thanh tra, trừ trường hợp nghỉ phép dưới 01 ngày phép theo quy định. Quy trình đăng ký và duyệt nghỉ phép như sau:
(i) Cá nhân nhập thông tin đăng ký;
(ii) Trưởng phòng duyệt đăng ký của công chức, người lao động thuộc phòng mình quản lý sau đó chuyển Chánh thanh tra duyệt.
(iii) Chánh thanh tra duyệt đăng ký của Phó Chánh thanh tra, Trưởng phòng.
+ Chánh thanh tra giao quyền cho Trưởng phòng quyết định cho công chức, người lao động nghỉ phép dưới 01 ngày. Công chức, người lao động nghỉ phép dưới 01 ngày khi được sự đồng ý của Trưởng phòng.
Khi quyết định cho công chức, người lao động nghỉ phép dưới 01 ngày, Trưởng phòng chịu trách nhiệm với Chánh thanh tra và trước pháp luật đối với quyết định của mình.
- Nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng vẫn hưởng nguyên lương
+ Công chức, người lao động được nghỉ lễ, tết theo quy định của pháp luật lao động.
+ Công chức, người lao động nghỉ việc riêng vẫn hưởng nguyên lương theo quy định tại Khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019, nghỉ việc riêng không hưởng lương theo quy định tại Khoản 2 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 cần thông báo Trưởng phòng và Chánh thanh tra biết.
- Nghỉ không hưởng lương
Công chức, người lao động nghỉ không hưởng lương theo Khoản 3, Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 phải báo cáo Trưởng phòng bằng văn bản, xin ý kiến của Phó chánh thanh tra phụ trách và trình Chánh thanh tra xem xét, quyết định.
- Nghỉ ra nước ngoài để giải quyết việc riêng
Công chức, người lao động nghỉ ra nước ngoài để giải quyết việc riêng thực hiện theo quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 Chương III Quy chế cử công chức, viên chức, người lao động đi công tác, học tập và giải quyết việc riêng ở nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định 109/QĐ-LĐTBXH ngày 09/02/2023 của Bộ Trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
(Điều 21 Quy chế làm việc của Thanh tra ban hành kèm theo Quyết định 115/QĐ-TTr)
Xem thêm tại Quyết định 115/QĐ-TTr có hiệu lực từ ngày 19/3/2024.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |