Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 85/2020/NĐ-CP gồm 34 điều quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc, có hiệu lực từ 07/09/2020. Trong đó có nội dung cần lưu ý về thi tuyển phương án kiến trúc.
Thi tuyển phương án kiến trúc 2020 (ảnh minh họa)
Theo Luật Kiến trúc 2019 tại Điều 17 có quy định về thi tuyển phương án kiến trúc như sau:
1. Thi tuyển phương án kiến trúc là việc tổ chức cuộc thi để chọn phương án kiến trúc tối ưu, đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.
2. Công trình phải thi tuyển phương án kiến trúc bao gồm:
a) Công trình công cộng có quy mô cấp đặc biệt, cấp I;
b) Nhà ga đường sắt trung tâm cấp tỉnh, nhà ga hàng không dân dụng; cầu trong đô thị từ cấp II trở lên, ga đường sắt nội đô từ cấp II trở lên; công trình tượng đài, công trình là biểu tượng về truyền thống, văn hóa và lịch sử của địa phương; công trình quan trọng, điểm nhấn trong đô thị và trên các tuyến đường chính được xác định trong đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Việc tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc được đề xuất trong chủ trương đầu tư hoặc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
4. Người có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định hình thức thi tuyển phương án kiến trúc, quyết định thành lập Hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc.
5. Chi phí thi tuyển phương án kiến trúc được tính trong tổng mức đầu tư của dự án.
6. Trên cơ sở phương án kiến trúc trúng tuyển, tổ chức, cá nhân có phương án kiến trúc trúng tuyển được thực hiện các bước tiếp theo của dự án khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật về đấu thầu.
7. Thông tin về thi tuyển, hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc và kết quả của cuộc thi phải được chủ đầu tư công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
8. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo đó, ngày 17/7/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 85/2020/NĐ-CP trong đó có quy định chi tiết thi hành về điều khoản này. Cụ thể như sau:
Có hai hình thức gồm thi tuyển rộng rãi và thi tuyển hạn chế. Thi tuyển rộng rãi là hình thức tổ chức cuộc thi không giới hạn số lượng đối tượng tham gia. Thi tuyển hạn chế là hình thức tổ chức cuộc thi được áp dụng đối với một số đối tượng tham gia.
Có nhiệm vụ thiết kế phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành.
Thành lập Hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc.
Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư hoặc cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ tổ chức thi tuyển thành lập Tổ kỹ thuật để giúp việc Hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc.
trong thời gian tối thiểu 30 ngày, thông tin về thi tuyển, hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc và kết quả của cuộc thi phải được đơn vị tổ chức cuộc thi đăng tải công khai trên một hoặc nhiều phương tiện thông tin đại chúng hoặc cổng, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước về kiến trúc ở trung ương và địa phương nơi tổ chức thi tuyển.
Nghị định 85/2020/NĐ-CP quy định chi tiết các nội dung về tổ chức thi tuyển như sau:
- Công tác chuẩn bị:
Hoàn tất thủ tục và thu thập các số liệu, tài liệu pháp lý, thông tin về kiến trúc, quy hoạch liên quan khu đất xây dựng công trình.
Lập và phê duyệt kế hoạch, kinh phí tổ chức thi tuyển, quy chế thi tuyển và nhiệm vụ thiết kế.
Thành lập Hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc, Tổ kỹ thuật
- Nhiệm vụ thiết kế phải cung cấp đầy đủ các thông tin pháp lý của dự án địa điểm xây dựng, bản vẽ hiện trạng, chỉ tiêu quy hoạch, các thông tin về điều kiện khu đất, mục đích, tính chất, quy mô công trình; dự kiến tổng mức đầu tư; các yêu cầu về kiến trúc, công năng sử dụng, yêu cầu kỹ thuật, việc gắn kết cảnh quan chung khu vực và các yêu cầu liên quan khác.
- Quy chế thi tuyển gồm những nội dung cơ bản sau:
Hình thức, quy mô, tính chất, mục đích, yêu cầu của cuộc thi;
Quy định về điều kiện dự thi; tiêu chí, nội dung, trình tự tổ chức; thời gian, địa điểm tổ chức cuộc thi; hồ sơ dự thi; tính hợp lệ của hồ sơ dự thi;
Thành phần Hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc và thông tin cơ bản về chuyên môn, kinh nghiệm của các thành viên Hội đồng;
Chi phí tổ chức cuộc thi, cơ sở tính thiết kế phí cho công trình;
Cơ cấu và giá trị giải thưởng;
Quyền, trách nhiệm của các bên liên quan, bản quyền tác giả;
Mẫu phiếu đăng ký tham dự cuộc thi;
Các nội dung khác theo yêu cầu của mỗi cuộc thi: thể loại thi tuyển (thi ý tưởng kiến trúc hoặc thi phương án kiến trúc; quy định về vòng thi; trường hợp kết thúc vòng thi không có phương án tối ưu; nguyên tắc tính thiết kế phí đối với dự án.
- Hồ sơ dự thi bao gồm thuyết minh, các bản vẽ kiến trúc, giải pháp kỹ thuật và phim, ảnh, mô hình, đề xuất tài chính. Hồ sơ phải được quy định thống nhất về ngôn ngữ, đơn vị đo lường, đơn vị tiền tệ và quy tắc ẩn danh, không đưa tên, biểu tượng của đơn vị tư vấn hay tác giả lên bản vẽ, thuyết minh.
4. Hội đồng thi tuyển
- Thành phần hội đồng:
Hội đồng thi tuyển có số lượng thành viên là số lẻ, tối thiểu 09 người.
Gồm có 01 Chủ tịch và thành viên.
Hội đồng có tối thiểu 2/3 số thành viên là kiến trúc sư có kiến thức, kinh nghiệm về thể loại công trình thi tuyển. Có 01 đại diện của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc và 01 đại diện của tổ chức xã hội, nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc.
Chủ tịch Hội đồng phải là chuyên gia có kinh nghiệm đã thiết kế kiến trúc nhiều công trình đã xây dựng, có uy tín nghề nghiệp trong lĩnh vực kiến trúc. Chủ tịch Hội đồng do Hội đồng bầu ra hoặc chủ đầu tư mời.
Các thành viên Hội đồng là những người có chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, xây dựng và các lĩnh vực liên quan; khách quan, công tâm. Đơn vị tổ chức cuộc thi có thể mời chuyên gia nước ngoài tham gia (nếu cần thiết)
- Nguyên tắc làm việc của Hội đồng:
Hội đồng làm việc theo Quy chế do Hội đồng quy định.
Hội đồng chỉ tiến hành đánh giá, xếp hạng các phương án dự thi khi có tối thiểu 3/4 số thành viên có mặt.
Chủ tịch Hội đồng và các thành viên, thư ký không được công bố, cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác ngoài Hội đồng thi tuyển các thông tin về nội dung thảo luận, ý kiến kết luận của Hội đồng thi tuyển trong thời gian đánh giá, xếp hạng các phương án dự thi.
Chậm nhất là 03 ngày sau ngày tổ chức chấm thi xong, Hội đồng thi tuyển phải gửi kết quả chấm thi tới chủ đầu tư .
- Trách nhiệm của Hội đồng:
Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo xây dựng Quy chế Hội đồng; chủ trì Hội đồng làm việc.
Các thành viên Hội đồng tuân thủ nguyên tắc làm việc của Hội đồng.
Điều 20 Nghị định 85/2020/NĐ-CP quy định về việc đánh giá, xếp hạng phương án dự thi và công bố kết quả như sau:
- Việc đánh giá, xếp hạng phương án dự thi được thực hiện theo đúng phương pháp, tiêu chí quy định trong Quy chế Hội đồng và theo nguyên tắc bỏ phiếu kín để chọn ra phương án theo thứ tự từ 1 đến 3. Phương án xếp thứ hạng cao nhất là phương án kiến trúc trúng tuyển.
- Báo cáo kết quả đánh giá, xếp hạng phải được tất cả các thành viên Hội đồng tham gia ký xác nhận và gửi đơn vị tổ chức cuộc thi để tổng hợp, báo cáo người quyết định đầu tư xem xét phê duyệt.
- Trường hợp không có phương án đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu quy định trong Quy chế thi tuyển thì tổ chức thi tuyển lại.
- Đơn vị tổ chức cuộc thi công bố, công khai kết quả và tổ chức trao giải thưởng sau khi kết thúc cuộc thi và gửi kết quả cuộc thi đến cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Ngoài ra, Nghị định 85/2020/NĐ-CP còn quy định chi tiết về chi phí chi tuyển; quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia thi tuyển.
Xem chi tiết tại Nghị định 85/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ 07/09/2020
Thanh Thảo
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |