Thế nào là nhân thân tốt?

Từ vụ án cướp bánh mì và vỡ ống nước Sông Đà mà gần đây dư luận xã hội, đặc biệt là mạng cộng đồng dấy lên cụm từ “nhân thân tốt”. Vậy thế nào là nhân thân tốt?

Về vụ án vỡ đường ống nước sông Đà, khi truy cứu trách nhiệm hình sự 5 cán bộ được xem xét là những người có “nhân thân tốt” có nhiều đóng góp cho xã hội nên không bị khởi tố điều tra làm rõ. Trong vụ án này rõ ràng có dấu hiệu cấu thành tội phạm và thiệt hại vô cùng lớn về vật chất thế nhưng việc làm của các thành viên HĐQT Vinaconex có dấu hiệu phạm tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 229 Bộ Luật Hình sự” có kết luận điều tra lại gây bất ngờ. Cụ thể, liên ngành tư pháp trung ương xét thấy không cần thiết phải xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật của thành viên HĐQT Vinaconex. Lý do đưa ra là trong quá trình điều tra, những người này khai báo thành khẩn, hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ bản chất vụ án, có nhân thân tốt, có nhiều đóng góp cho ngành xây dựng. Mặt khác, kết quả điều tra không xác định được động cơ vụ lợi; người chịu trách nhiệm chính trong các quyết định trái pháp luật đã mắc bệnh hiểm nghèo.

Về vụ án bánh mì của 2 thanh niên trẻ, vì phút nông nỗi mà hành vi của họ cấu thành tội Cướp giật tài sản, mặc dù giá trị thiệt hại nhỏ nhưng hành vi của họ lại cấu thành tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự.

Từ thực tế xét xử 2 vụ án trên mà dư luận nổi lên luồng suy nghĩ: Sao hai đứa nhỏ giật bánh mỳ trị giá tài sản chiếm đoạt chỉ 45 nghìn đồng thì bị tù giam, còn 5 ông quan có trách nhiệm trong vụ đường ống nước nghìn tỷ cấp cho thủ đô bị vỡ gần 20 lần, kéo theo hàng chục nghìn hộ dân lâm cảnh mất nước triền miên lại không bị xử lý hình sự?

          

Hình ảnh minh họa

 

Đứng từ góc nhìn của dư luận khi đem 2 vụ án ra so sánh, đong đếm đúng là quá vô lý, quá bất công. Nhưng đứng từ góc nhìn luật pháp thì khi xét xử một hành vi nào đó đều phải căn cứ vào những quy định cụ thể. Tình tiết nào có lợi hay có hại cũng là một yếu tố quan trọng để đưa ra mức hình phạt, nhân thân người phạm tội cũng là một trong những yếu tố quan trọng đó. Theo đó, nhân thân người phạm tội là tổng hợp các đặc điểm, dấu hiệu, các đặc tính thể hiện bản chất xã hội của con người khi vi phạm pháp luật hình sự, mà trong sự kết hợp với các điều kiện bên ngoài đã ảnh hưởng đến việc thực hiện hành vi phạm tội của người đó.

Để quyết định hình phạt đúng một trong những đòi hỏi quan trọng là phải làm rõ những đặc điểm về nhân thân người phạm tội. Những đặc điểm về nhân thân người phạm tội được thể hiện trong lý lịch bị can, bị cáo và các tài liệu khác có liên quan. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải chứng minh những đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo.

Nhân thân người phạm tội bao gồm cả mặt tốt và cả mặt xấu. Trong một số trường hợp có một số đặc điểm về nhân thân người phạm tội đã được quy định là yếu tố loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, định tội, định khung hình phạt hoặc quy định là tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; do đó, khi quyết định hình phạt cần phân biệt từng trường hợp cụ thể. Cần phải cân nhắc đầy đủ các đặc điểm về nhân thân người phạm tội chưa quy định là yếu tố định tội, định khung hình phạt hoặc là tình tiết tăng nặng hoặc là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Như vậy, cụm từ nhân thân tốt chính là tình tiết để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Quay trở lại vụ án vỡ ống nước thì khi đánh giá hành vi của các vị quan chức thì Tòa án đã xét đến yếu tố nhân thân tốt để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để giải quyết vụ án, còn vụ án bánh mỳ lại không có yếu tố nhân thân tốt, do đó dẫn đến mâu thuẫn hợp lý nhưng không hợp tình.

Pháp luật ra đời và trở thành công cụ hiệu quả để điều chỉnh quan hệ xã hội và đôi khi những quy định pháp luật áp dụng để xử lý vi phạm còn phụ thuộc vào tính chất hành vi may hay rủi của người vi phạm, do đó quy định pháp luật được cho là hợp lý nhưng không hợp tình cũng không thể tránh khỏi lời qua tiếng lại của dư luận.

-TP-

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

5195 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;