Thế nào là nguồn nguy hiểm cao độ?

Thực tế cho thấy cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến về máy móc, phương tiện đã mang lại những thành tựu góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân nhưng những thiết bị máy móc hiện đại văn minh đó đôi khi nằm ngoài sự kiểm soát và tiềm ẩn rủi ro cho chính người sử dụng, gây thiệt hại đến sức khỏe và tín mạng cho con người. Những thiết bị, máy móc như vậy được gọi là nguồn nguy hiểm cao độ.

Nguồn nguy hiểm cao độ là những vật do đặc tính của nó nên trong quá trình chiếm hữu, khai thác, quản lý, vận chuyển chúng luôn chứa đựng tiềm ẩn những nguy hiểm khách quan, dễ xảy ra thiệt hại ở mức độ lớn cho những người xung quanh.

Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự 2005 thì: Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Như vậy, nguồn nguy hiểm cao độ được hiểu là những vật đang tồn tại hiện hữu mà hoạt động vận hành, sản xuất, vận chuyển, bảo quản… chúng luôn chứa đựng khả năng gây thiệt hại cho môi trường và những người xung quanh. Tính nguy hiểm của nó còn thể hiện ở chỗ con người không thể kiểm soát được một cách tuyệt đối nguy cơ gây thiệt hại. Do đó, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.

Cũng theo quy định tại Bộ luật dân sự 2005 thì khi nguồn nguy hiểm cao độ gây ra những thiệt hại nhất định thì phải có chế định bồi thường. Theo đó:

" 2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại c khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
  a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
  b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

  Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại”.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nên điều kiện làm phát sinh của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cũng có những đặc điểm tương tự như trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung: Có thiệt hại thực tế xảy ra, có sự kiện nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại trái pháp luật và có mối quan hệ nhân quả giữa gây thiệt hại trái pháp luật và thiệt hại thực tế đã xảy ra. 

Ví dụ: Xe ô tô đang vận hành thì bị nổ lốp, mất phanh…gây thiệt hại cho người tham gia giao thông khác hay sử dụng điện để chống trộm gây chết người.

        

Hình ảnh minh họa

 

Việc sử dụng điện để chống trộm là hành vi trái phép mà pháp luật có quy định cấm. Mặc dù điện là nguồn năng lượng phục vụ đời sống và phát triển kinh tế, xã hội nhưng việc sử dụng điện tùy tiện, không tuân thủ các quy tắc về an toàn điện… và gây ra những thiệt hại về tài sản, sức khỏe và tín mạng của con người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người. 

Việc xác định bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là một vấn đề phức tạp, gây nhiều tranh cãi bởi xác định lỗi, hành vi trái pháp luật của con người gây ra hay chính nguồn nguy hiểm gây ra còn nhiều nhầm lẫn.

Hiện nay pháp luật chưa quy định cụ thể và chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể điều kiện áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra: khi nào thì  áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung và khi nào áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra nên dẫn đến có những cách hiểu và áp dụng pháp luật không thống nhất trên thực tế. 


Những văn bản có liên quan:

Bộ luật Dân sự 2015

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

8019 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;