Theo dự thảo Thông tư mới của Bộ Công an thì khái niệm “thanh tra chuyên ngành của lực lượng Công an nhân dân” được hiểu là gì?
Thanh tra chuyên ngành của lực lượng Công an nhân dân là gì? (Hình từ internet)
Theo khoản 1 Điều 3 Dự thảo Thông tư của Bộ Công an có giải thích như sau:
“Thanh tra chuyên ngành của lực lượng Công an nhân dân” là hoạt động thanh tra do thanh tra Công an các đơn vị, địa phương có thẩm quyền và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành tiến hành đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an.
“Thanh tra lại” là việc xem xét, đánh giá, xử lý kết luận thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình thanh tra, ra kết luận thanh tra.
Người ra quyết định thanh tra được quy định là thủ trưởng cơ quan thanh tra, thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, là người tiến hành thanh tra, ký ban hành quyết định thanh tra và thực hiện theo nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều 80 Luật Thanh tra 2022.
Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành của lực lượng Công an nhân dân là người được thủ trưởng cơ quan thanh tra, thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành của lực lượng Công an nhân dân phân công thực hiện nhiệm vụ thanh tra.
Theo đó, thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra tại Điều 5 Dự thảo Thông tư của Bộ Công an như sau:
(1) Chánh Thanh tra Bộ Công an ra quyết định thanh tra:
- Các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an theo kế hoạch công tác thanh tra hằng năm đã được Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt;
- Thanh tra đột xuất đối với các Bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty, công ty thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an hoặc liên quan đến nhiều địa phương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi Bộ trưởng Bộ Công an giao hoặc theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ;
- Thanh tra lại vụ việc đã có kết luận thanh tra của Thanh tra Công an cấp tỉnh, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có khiếu nại, tố cáo phức tạp liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương. Việc tiến hành thanh tra lại được thực hiện theo quy định từ Điều 19 đến Điều 24 Nghị định 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ.
(2) Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ra quyết định thanh tra:
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý theo kế hoạch công tác thanh tra hằng năm đã được Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt;
- Thanh tra đột xuất khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý; vụ việc do Bộ trưởng Bộ Công an giao hoặc theo yêu cầu của Thanh tra Bộ Công an.
(3) Chánh Thanh tra Công an cấp tỉnh ra quyết định thanh tra:
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Công an cấp tỉnh theo kế hoạch công tác thanh tra hằng năm đã được Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt;
- Thanh tra đột xuất các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phức tạp thuộc thẩm quyền quản lý của Công an cấp tỉnh; vụ việc do Giám đốc Công an cấp tỉnh giao hoặc theo yêu cầu của Thanh tra Bộ Công an.
Xem thêm tại Dự thảo Thông tư của Bộ Công an.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |