Thẩm quyền, trình tự quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của TTCP

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 83/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Thẩm quyền, trình tự quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của TTCP, Nghị định 83/2020/NĐ-CP

Thẩm quyền, trình tự quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của TTCP (Ảnh minh họa)

Theo đó, Nghị định 83/2020/NĐ-CP sửa đổi Điều 41 của Nghị định 156/2018/NĐ-CP về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể như sau:

-  Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Lâm nghiệp 2017.

-  Hình thức nộp hồ sơ: Tổ chức, cá nhân đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính 01 bộ hồ sơ đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi có diện tích rừng đề nghị chuyển mục đích sử dụng.

-  Hồ sơ gồm:

  • Văn bản đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng;

  • Báo cáo đề xuất dự án đầu tư hoặc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi kèm theo văn bản thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

  • Tài liệu về đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư, đầu tư công;

  • Báo cáo thuyết minh, bản đồ hiện trạng rừng (tỷ lệ bản đồ 1/2.000 đối với diện tích đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng dưới 500 ha, tỷ lệ 1/5.000 đối với diện tích đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng từ 500 ha trở lên), kết quả điều tra rừng khu vực đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng (diện tích rừng, trữ lượng rừng).

-  Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo UBND cấp tỉnh. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân.

-  Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định nội dung trình phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng. Trường hợp kết quả thẩm định không đủ điều kiện, UBND cấp tỉnh trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân và nêu rõ lý do. Nội dung phê duyệt gồm:

  • Cơ sở pháp lý;

  • Thành phần, nội dung hồ sơ;

  • Sự cần thiết đầu tư dự án;

  • Vị trí (lô, khoảnh, tiểu khu, địa danh hành chính), kết quả điều tra rừng (diện tích rừng, trữ lượng rừng); diện tích theo: Loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất), nguồn gốc hình thành (rừng tự nhiên, rừng trồng), điều kiện lập địa, trữ lượng (đối với rừng tự nhiên), loài cây (đối với rừng trồng);

  • Sự tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan;

  • Sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia theo quy định của pháp luật về quy hoạch;

  • Hiệu quả kinh tế - xã hội;

  • Tài liệu về đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư, đầu tư công;

  • Đối với dự án chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên: Thẩm định về nội dung xác định dự án bắt buộc phải thực hiện trên diện tích có rừng tự nhiên do không thể bố trí diện tích đất khác.

-  Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức thẩm định, UBND cấp tỉnh gửi hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hồ sơ gồm: Tờ trình của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, hồ sơ theo quy định nêu trên và các tài liệu khác có liên quan (nếu có). Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đầy đủ, toàn diện, chính xác đối với nội dung hồ sơ trình.

- Trong thời hạn 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của UBND cấp tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành có liên quan tổ chức thẩm định hồ sơ; tổng hợp, trình TTCP xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời bằng văn bản cho UBND cấp tỉnh.

Nội dung thẩm định hồ sơ gồm:

  • Sự tuân thủ các quy định của pháp luật;

  • Sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia theo quy định của pháp luật về quy hoạch;

  • Sự cần thiết đầu tư dự án đáp ứng tiêu chí theo quy định tại Nghị định này.

  • Tài liệu về đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư, đầu tư công;

Hồ sơ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình TTCP gồm: 

  • Văn bản đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

  • Văn bản thẩm định (biên bản họp Hội đồng thẩm định hoặc báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm định của các bộ, ngành, địa phương liên quan);

  • Hồ sơ UBND cấp tỉnh gửi hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

  • Văn bản của các bộ, ngành, địa phương liên quan (nếu có).

Lưu ýTrường hợp thẩm định bằng hình thức lấy ý kiến bằng văn bản thì các bộ, ngành, địa phương được lấy ý kiến thẩm định có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời hạn 10 ngày làm việc.

Chi tiết xem tại Nghị định 83/2020/NĐ-CP có hiệu lực ngày 15/07/2020.

Ty Na

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

743 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;