Ngày 28/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 101/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ.
Số lượng cấp phó cho mỗi phòng khi được thành lập là bao nhiêu? (Ảnh minh họa)
Theo đó, tại khoản 3 Điều 18a Nghị định 101/2020/NĐ-CP bổ sung quy định mới số lượng cấp phó của người đứng đầu phòng như sau:
Phòng thuộc cục thuộc bộ có từ 07 đến 09 biên chế công chức được bố trí 01 cấp phó; có từ 10 đến 15 biên chế công chức được bố trí không quá 02 cấp phó; có từ 16 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 03 cấp phó;
Phòng thuộc chi cục thuộc cục thuộc bộ có từ 05 đến 07 biên chế công chức được bố trí 01 cấp phó; có từ 08 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 02 cấp phó.
Về cách thức thực hiện và số lượng cấp phó cụ thể:
Số lượng cấp phó của người đứng đầu phòng thuộc thanh tra, văn phòng, vụ thuộc bộ và phòng thuộc văn phòng, cục thuộc tổng cục thuộc bộ thực hiện theo quy định về số lượng cấp phó của người đứng đầu phòng thuộc cục thuộc bộ.
Số lượng cấp phó của người đứng đầu phòng thuộc chi cục thuộc cục thuộc tổng cục thuộc bộ thực hiện theo quy định về số lượng cấp phó của người đứng đầu phòng thuộc chi cục thuộc cục thuộc bộ.
Thông qua quy định trên, có thể thấy rằng Chính phủ quy định số lượng cấp phó tối đa của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập nhưng phải bảo đảm bình quân không quá 03 người trên một đơn vị. Điều này nhằm phát huy tối đa tính hiệu quả trong việc quản lý nhà nước, tránh phân cấp, ủy quyền tràn lan.
Xem chi tiết tại: Nghị định 101/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15/11/2020.
Nguyên Phú
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |