Sẽ ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các dự án năng lượng nguyên tử là nội dung được quy định trong Quyết định 245/QĐ-TTg năm 2025.
Quyết định 245: Sẽ ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các dự án năng lượng nguyên tử (Hình từ Internet)
Ngày 05/02/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 245/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó,tại Quyết định 245/QĐ-TTg năm 2025 thì đối với các vấn đề, giải pháp về đầu tư, tài chính và huy động vốn trong quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn như sau:
- Ưu tiên bố trí nguồn ngân sách nhà nước chi thường xuyên để thực hiện các nội dung và nhiệm vụ của Quy hoạch, thực hiện trên cơ sở căn cứ khả năng cân đối của ngân sách trung ương, tiêu chí, định mức quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành để bố trí nguồn kinh phí thực hiện, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
- Nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động vốn cho đầu tư phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử;
- Đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa các nguồn vốn, các hình thức huy động vốn, thu hút có hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước vào nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, đào tạo nhân lực, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử;
- Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công, các quy định pháp luật khác có liên quan cho các dự án phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử;
- Ưu tiên bố trí vốn cho các chương trình/dự án quan trọng, ưu tiên; phát triển, mạng lưới cảnh báo và quan trắc phóng xạ môi trường;
- Nhà nước đầu tư và có cơ chế khuyến khích, ưu đãi phù hợp để các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu, ứng dụng tham gia đầu tư các phòng thí nghiệm chuyên ngành.
Việc tổ chức chi ngân sách nhà nước được quy định cụ thể tại Điều 56 Luật Ngân sách nhà nước 2015 như sau:
- Các nhiệm vụ chi đã bố trí trong dự toán được bảo đảm kinh phí theo đúng tiến độ thực hiện và trong phạm vi dự toán được giao.
- Đối với các dự án đầu tư và các nhiệm vụ chi cấp thiết khác được tạm ứng vốn, kinh phí để thực hiện các công việc theo hợp đồng đã ký kết. Mức vốn tạm ứng căn cứ vào giá trị hợp đồng và trong phạm vi dự toán ngân sách được giao và theo quy định của pháp luật có liên quan, vốn, kinh phí tạm ứng được thu hồi khi thanh toán khối lượng, nhiệm vụ hoàn thành.
- Ngân sách cấp dưới được tạm ứng từ ngân sách cấp trên để thực hiện nhiệm vụ chi theo dự toán ngân sách được giao trong trường hợp cần thiết.
- Căn cứ vào dự toán ngân sách được giao và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ:
+ Thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách quyết định chi gửi Kho bạc Nhà nước để thực hiện;
+ Cơ quan tài chính cấp dưới thực hiện rút số bổ sung từ ngân sách cấp trên tại Kho bạc Nhà nước.
- Kho bạc Nhà nước kiểm tra tính hợp pháp của các tài liệu cần thiết theo quy định của pháp luật và thực hiện chi ngân sách khi có đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Ngân sách nhà nước 2015 theo phương thức thanh toán trực tiếp hoặc tạm ứng theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 56 Luật Ngân sách nhà nước 2015.
- Thủ trưởng cơ quan Kho bạc Nhà nước từ chối thanh toán, chi trả các khoản chi không đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Ngân sách nhà nước 2015 và chịu trách nhiệm về quyết định của mình theo quy định của pháp luật.
Xem thêm tại Quyết định 245/QĐ-TTg ban hành ngày 05/02/2025.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |