Dưới đây là quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản từ 01/7/2025.
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản từ 01/7/2025 (Hình từ internet)
Ngày 29/11/2024, Quốc hội thông qua Luật Địa chất và khoáng sản.
Theo Điều 47 Luật Địa chất và khoáng sản 2024 quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản như sau:
(1) Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản có các quyền sau đây:
- Sử dụng thông tin về khoáng sản liên quan đến mục đích thăm dò và khu vực thăm dò và có quyền chuyển nhượng, thừa kế thông tin đó theo quy định của pháp luật;
- Tiến hành thăm dò theo giấy phép thăm dò khoáng sản;
- Được bổ sung khối lượng, hạng mục công việc thi công trong phạm vi khu vực thăm dò theo diễn biến thực tế trong quá trình thi công thăm dò nhằm tăng mức độ tin cậy của kết quả thăm dò;
- Chuyển ra ngoài khu vực thăm dò, kể cả ra nước ngoài các loại mẫu vật với khối lượng, chủng loại phù hợp với tính chất, yêu cầu phân tích, thử nghiệm theo đề án thăm dò khoáng sản đã được chấp thuận;
- Được ưu tiên cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại khu vực đã thăm dò theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Địa chất và khoáng sản 2024;
- Đề nghị gia hạn, cấp lại, điều chỉnh, trả lại giấy phép thăm dò khoáng sản;
- Chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản theo quy định của Luật Địa chất và khoáng sản 2024;
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật;
- Quyền khác theo quy định của pháp luật.
(2) Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản có các nghĩa vụ sau đây:
(i) Thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật;
(ii) Thực hiện các nội dung trong giấy phép thăm dò khoáng sản. Trường hợp thăm dò vượt quá mức sâu thăm dò theo quy định của Chính phủ, bổ sung mẫu công nghệ, moong khai thác thử hoặc điều chỉnh phương pháp hoặc giảm khối lượng công tác thăm dò, tổ chức, cá nhân phải báo cáo và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện;
(iii) Bồi thường thiệt hại do hoạt động thăm dò gây ra theo quy định của pháp luật;
(iv) Thông báo kế hoạch thăm dò cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thăm dò khoáng sản trước khi thực hiện;
(v) Thu thập, lưu giữ thông tin về khoáng sản và báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản; báo cáo các hoạt động khác cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; chấp hành các quy định về kiểm tra, thanh tra, kiểm soát hoạt động thăm dò khoáng sản theo quy định của Luật Địa chất và khoáng sản 2024, pháp luật về thanh tra và quy định khác của pháp luật có liên quan;
(vi) Thực hiện các công việc khi giấy phép thăm dò khoáng sản chấm dứt hiệu lực theo quy định tại khoản 3 Điều 52 Luật Địa chất và khoáng sản 2024;
(vii) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
(3) Trường hợp thăm dò khoáng sản độc hại, ngoài việc thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản (2), tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản độc hại phải thực hiện các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến sức khỏe con người; trường hợp đã gây ô nhiễm môi trường thì phải xác định đầy đủ các yếu tố gây ô nhiễm, thực hiện các biện pháp khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm.
(4) Trường hợp thăm dò khoáng sản phóng xạ hoặc có chứa chất phóng xạ đi kèm, ngoài việc thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản (2) và khoản (3), tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản còn phải thực hiện quy định của Luật năng lượng nguyên tử 2008 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Chính phủ quy định chi tiết điểm (ii); quy định tổ chức được phép thăm dò khoáng sản độc hại, khoáng sản phóng xạ.
- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định mẫu báo cáo, tài liệu quy định tại điểm (iv) và (v).
Xem thêm Luật Địa chất và khoáng sản 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 110.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |