Đây là nội dung Doanh nghiệp dịch vụ phải lưu ý trong Dự thảo Luật Người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Quyền & nghĩa vụ của Doanh nghiệp dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam làm việc NN (ảnh minh họa)
Theo đó, pháp luật quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của Doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng trong Dự thảo Luật Người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) như sau:
- Doanh nghiệp dịch vụ có các quyền sau đây:
Thực hiện các nội dung quy định tại Điều 9 của Dự thảo Luật Người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Thỏa thuận với người lao động về tiền dịch vụ, ký quỹ, bảo lãnh để thực hiện hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật.
Đơn phương thanh lý Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sau khi doanh nghiệp dịch vụ đã 03 lần thông báo bằng thư bảo đảm trong thời gian 150 ngày, kể từ ngày người lao động chấm dứt Hợp đồng lao động mà người lao động hoặc người được uỷ quyền hợp pháp của người lao động không đến thanh lý hợp đồng; hoặc kể từ ngày người lao động gia hạn Hợp đồng lao động mà không thực hiện quyền và nghĩa vụ theo thỏa thuận trong Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài;
Khiếu nại, khởi kiện về các quyết định hoặc hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
- Doanh nghiệp dịch vụ có các nghĩa vụ sau đây:
Thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 16, các Điều 18, 21, 29, 30 và 31 của Dự thảo Luật Người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)
Đăng tải trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp dịch vụ thông tin về vốn chủ sở hữu; tài khoản ký quỹ hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; người đại diện pháp luật; danh sách nhân viên nghiệp vụ; địa chỉ trụ sở chính, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; quyết định giao nhiệm vụ cho các đơn vị phụ thuộc và cập nhật khi có sự thay đổi về những nội dung này;
Cam kết bằng văn bản việc tuyển chọn người lao động sau khi tham gia hoạt động chuẩn bị nguồn của doanh nghiệp (nếu có); cung cấp thông tin chính xác với người lao động và chính quyền địa phương tại nơi tuyển chọn về số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn, điều kiện, quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động theo nội dung Hợp đồng cung ứng lao động; trực tiếp tuyển chọn và không được thu tiền tuyển chọn của người lao động; thông báo công khai kết quả tuyển chọn và danh sách người lao động trúng tuyển; thực hiện đúng các nội dung trong đăng ký hợp đồng đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận;
Tổ chức và cấp giấy chứng nhận tham gia học giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật này; hướng dẫn người lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội;
Cam kết bằng văn bản thời gian chờ xuất cảnh sau khi người lao động trúng tuyển đi làm việc ở nước ngoài với thời hạn tối đa không quá 06 tháng kể từ ngày người lao động trúng tuyển;
Tổ chức quản lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động do doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài; có nhân viên nghiệp vụ quản lý và hỗ trợ người lao động ở nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; bảo đảm cung cấp trợ giúp pháp lý trong trường hợp người lao động cần đến các hỗ trợ pháp lý khi bị lạm dụng, bạo lực hoặc phân biệt đối xử trong quá trình làm việc ở nước ngoài;
Thực hiện các yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và phối hợp với bên nước ngoài tiếp nhận lao động giải quyết tranh chấp liên quan đến người lao động làm việc ở nước ngoài; giải quyết vấn đề phát sinh trong trường hợp người lao động chết hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản hoặc trong trường hợp tình trạng khẩn cấp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước tiếp nhận ban bố;
Bồi thường cho người lao động về những thiệt hại do doanh nghiệp gây ra theo quy định của pháp luật; thanh lý Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với người lao động trong thời hạn 180 ngày, kể từ ngày người lao động chấm dứt Hợp đồng lao động đúng pháp luật.
Tư vấn, hỗ trợ người lao động khi về nước;
Đóng góp vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của Luật
Định kỳ 06 tháng, 01 năm hoặc đột xuất báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và báo cáo cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về kết quả chuẩn bị nguồn lao động (nếu có), kết quả tuyển chọn, số lượng người lao động của địa phương đã đưa đi làm việc ở nước ngoài;
Báo cáo danh sách người lao động do doanh nghiệp đưa đi và thực hiện yêu cầu của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài để giải quyết các vụ việc phát sinh.
Doanh nghiệp dịch vụ cần lưu ý để đảm bảo quyền lợi cũng như tránh hành vi vi phạm.
Xem chi tiết tại Dự thảo Luật Người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)
Long Bình
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |