Quyền kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát trong Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014

Quyền kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) được quy định tại Điều 5 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.

Theo đó, quyền kháng nghị được VKSND thực hiện khi phát hiện hành vi, bản án, quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì VKSND phải kháng nghị. Khi nhận được kháng nghị của VKSND cơ quan, người có thẩm quyền phải giải quyết kháng nghị của VKSND theo quy định của pháp luật.

Tương tự, quyền kiến nghị được VKSND thực hiện khi phát hiện hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọngkhông thuộc trường hợp kháng nghị nêu trên thì VKSND phải kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân đó khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật; nếu phát hiện sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý thì kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Khi nhận được kiến nghị của VKSND cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của VKSND theo quy định của pháp luật.

Từ những phân tích nêu trên cho thấy, Luật TCVKSND năm 2014 quy định rất cụ thể trường hợp nào VKSND ban hành kháng nghị và trường hợp nào VKSND ban hành kiến nghị. Khi nhận được kháng nghị, kiến nghị của VKSND thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện kháng nghị, kiến nghị đó. Luật TCVKSND năm 2002 quy định chế tài thực hiện kháng nghị, kiến nghị của VKSND còn chung chung nên ảnh hưởng không ít đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND.

Mặt khác, Điều 9 Luật TCVKSND năm 2014 đã quy định quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân.

Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành các quyết định, yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của VKSND; có quyền kiến nghị, khiếu nại, tố cáo các hành vi, quyết định trái pháp luật của VKSND, VKSND phải giải quyết, trả lời theo quy định của pháp luật. Khi có căn cứ cho rằng hành vi, quyết định của VKSND không có căn cứ, trái pháp luật thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án và Cơ quan thi hành án có quyền kiến nghị, yêu cầu VKSND xem xét lại. VKSND phải giải quyết, trả lời theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân cản trở, can thiệp vào hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND; lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác của VKSND.

Đồng thời, Điều 10 Luật TCVKSND năm 2014 quy định giám sát hoạt động của VKSND.

Theo đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát hoạt động của VKSND theo quy định của pháp luật.

Để thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức VKSND năm 2014 đã quy định quyền kháng nghị, kiến nghị của VKSND và quyền kháng nghị, kiến nghị của VKSND đã được cụ thể hoá tại Bộ luật tố tụng hình sự (2015), Bộ luật tố tụng dân sự (2015), Bộ luật tố tụng hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2015), Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014, Luật thi hành án hình sự năm 2010, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015… nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho VKSND hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, tạo niềm tin cho Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng là địa chỉ đáng tin cậy cho nhân dân trong hoạt động tư pháp.

Nguồn: vksbinhdinh.gov.vn

 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

693 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;