Quyền hạn và nghĩa vụ của Kiểm toán nhà nước

Xin hỏi quyền hạn và nghĩa vụ của Kiểm toán nhà nước được quy định như thế nào? Trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước ra sao? - Thùy Linh (Bình Dương)

Quyền hạn và nghĩa vụ của Kiểm toán nhà nước (Hình từ internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Quyền hạn và nghĩa vụ của Kiểm toán nhà nước

Theo Điều 12 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 1348/QĐ-KTNN năm 2023 quy định quyền hạn và nghĩa vụ của Kiểm toán nhà nước như sau:

- Quyền hạn

+ Yêu cầu cộng tác viên thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo các cam kết trong hợp đồng và quy định của Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 1348/QĐ-KTNN năm 2023;

+ Có quyền chấm dứt hợp đồng đối với cộng tác viên nếu cộng tác viên vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện hợp đồng hoặc vi phạm cam kết theo hợp đồng đã ký giữa hai bên;

+ Yêu cầu bồi thường trong trường hợp cộng tác viên gây thiệt hại cho đơn vị được kiểm toán, đơn vị, cá nhân có liên quan và cho Kiểm toán nhà nước;

+ Khởi kiện cộng tác viên khi vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật;

+ Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các điều khoản hợp đồng, kiểm soát chất lượng kiểm toán theo Quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán;

+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật và hợp đồng.

- Nghĩa vụ

+ Phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng tác viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ;

+ Thanh toán đầy đủ, kịp thời kinh phí theo thỏa thuận trong hợp đồng;

+ Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và hợp đồng.

2. Trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước

Tại Điều 13 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 1348/QĐ-KTNN năm 2023 nêu rõ trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước như sau:

- Trách nhiệm của các đơn vị tham mưu:

+ Văn phòng Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm: 

Tổng hợp nhu cầu và dự toán từ các đơn vị, lập dự toán và tổng hợp quyết toán kinh phí sử dụng cộng tác viên chung toàn ngành, trình các cấp có thẩm quyền quyết định; 

Chủ trì phối hợp với Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán và các đơn vị có nhu cầu sử dụng cộng tác viên trình Tổng Kiểm toán nhà nước danh sách cộng tác viên; 

Tham gia Hội đồng thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện đối với cộng tác viên (trong trường hợp thành lập Hội đồng)

Ký hợp đồng với cộng tác viên của các đơn vị chủ trì là Kiểm toán nhà nước chuyên ngành, các đơn vị tham mưu theo danh sách đã được Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt; 

Theo dõi việc thực hiện hợp đồng, thanh lý hợp đồng, quyết toán kinh phí đối với việc sử dụng cộng tác viên theo quy định.

+ Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán có trách nhiệm tham mưu Tổng Kiểm toán nhà nước thành lập Hội đồng thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện đối với cộng tác viên; 

Là thường trực Hội đồng thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện đối với cộng tác viên (trong trường hợp thành lập Hội đồng)

Chủ trì phối hợp với Văn phòng Kiểm toán nhà nước, đơn vị chủ trì và các đơn vị liên quan tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước về nội dung hợp đồng thực hiện nhiệm vụ với cộng tác viên.

+ Vụ Tổng hợp có trách nhiệm tham gia Hội đồng thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện đối với cộng tác viên (trong trường hợp thành lập Hội đồng).

+ Vụ Pháp chế có trách nhiệm thẩm định tính pháp lý của Hợp đồng thực hiện nhiệm vụ với cộng tác viên theo yêu cầu của Tổng Kiểm toán nhà nước; 

Tham gia Hội đồng thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện đối với cộng tác viên (trong trường hợp thành lập Hội đồng).

- Trách nhiệm của các đơn vị chủ trì:

+ Căn cứ kế hoạch công tác của đơn vị (kế hoạch công tác năm, kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch kiểm toán của đoàn kiểm toán) hoặc yêu cầu thực tế phát sinh trong quá trình kiểm toán chịu trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng cộng tác viên, lập kế hoạch đề xuất những công việc cần sử dụng cộng tác viên, đề xuất danh sách cộng tác viên, dự toán kinh phí trình Tổng Kiểm toán nhà nước (qua Văn phòng Kiểm toán nhà nước).

+ Đề xuất tiêu chuẩn, điều kiện đối với cộng tác viên, lựa chọn cộng tác viên trình Tổng Kiểm toán nhà nước (qua Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán);

+ Tham gia Hội đồng thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện đối với cộng tác viên (trong trường hợp thành lập Hội đồng).

+ Thực hiện ký hợp đồng với cộng tác viên theo danh sách đã được Tổng kiểm toán nhà nước phê duyệt (Trường hợp đơn vị chủ trì là các Vụ tham mưu, Kiểm toán nhà nước chuyên ngành thì phối hợp với Văn phòng Kiểm toán nhà nước để ký hợp đồng);

+ Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng; Kiểm soát chất lượng kiểm toán theo trách nhiệm quy định tại Quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước;

+ Nghiệm thu kết quả thực hiện, thanh lý hợp đồng sử dụng cộng tác viên và quyết toán kinh phí theo quy định (Trường hợp đơn vị chủ trì là đơn vị tham mưu, Kiểm toán nhà nước chuyên ngành thì phối hợp với Văn phòng Kiểm toán nhà nước thực hiện các thủ tục thanh lý hợp đồng và quyết toán).

- Ngoài các trách nhiệm nêu trên, các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc sử dụng cộng tác viên theo chức năng, nhiệm vụ được giao và khi được Tổng Kiểm toán nhà nước phân công.

Nguyễn Ngọc Quế Anh

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

978 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;