Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định 699/QĐ-TTg ngày 19/7/2024.

Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Hình từ Internet)

Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 19/7/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 699/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm cụ thể hóa các phương án quy hoạch ngành, lĩnh vực được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu triển khai thực hiện các dự án theo Quy hoạch tỉnh như sau:

(1) Danh mục các dự án ưu tiên và phân kỳ đầu tư thực hiện Quy hoạch tỉnh đến năm 2030

- Định hướng danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, phân kỳ đầu tư và nguồn lực thực hiện đến năm 2030 theo các ngành, lĩnh vực (theo Phụ lục II kèm theo Quyết định 699/QĐ-TTg). Trong đó bao gồm 8 dự án ưu tiên đầu tư thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản bao gồm: Trung tâm logistics lúa - tôm hữu cơ; Trung tâm lúa giống; Trung tâm nghề cá lớn Kiên Giang; Cảng cá An Thới; Cảng cá đảo Hòn Ngang; Cảng cá Xẻo Nhàu; Cảng cá Lình Huỳnh; Cảng cá Mương Đào (Đông Hồ).

- Ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tổng thể, thúc đẩy liên kết Vùng, nội vùng gắn với các hành lang phát triển kinh tế, khu đô thị động lực; hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa - thể thao, an sinh xã hội; hạ tầng kỹ thuật đô thị tại các thành phố, tam giác phát triển chính đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh để thu hút các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả.

- Dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công:

+ Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của các công trình hạ tầng đã và đang được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công. Thu hút đầu tư mở rộng, nâng cao năng suất, hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh của tỉnh.

+ Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư các dự án, gồm: Nông nghiệp, thủy sản (Khu nông nghiệp - thủy sản ứng dụng công nghệ cao); các cụm nhà máy chế biến sâu, chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao gắn với các vùng nguyên liệu; hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng khu kinh tế; lấn biển, đảo nhân tạo; khu thương mại - dịch vụ và du lịch; khu phi thuế quan, kho ngoại quan; điện - năng lượng; cấp nước và môi trường; xử lý chất thải,... dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

+ Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, bảo vệ môi trường và các lĩnh vực phúc lợi xã hội khác.

+ Tăng cường hợp tác công - tư (PPP) trên cơ sở cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; xây dựng chính sách đột phá để phát triển hạ tầng chiến lược, tập trung phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô lớn và doanh nghiệp FDI; thúc đẩy liên kết ngân hàng - doanh nghiệp, hỗ trợ các nhà đầu tư nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

- Vị trí, phạm vi ranh giới, diện tích đất sử dụng, hướng tuyến, cơ cấu tổng mức đầu tư, nguồn vốn thực hiện và các thông tin chi tiết của dự án sẽ được cụ thể hóa trong quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, hoặc trong giai đoạn lập, thẩm định, chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các chương trình, dự án.

(2) Nguồn lực thực hiện quy hoạch

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP là 7% bình quân hàng năm trong thời kỳ quy hoạch 2021-2030, tỉnh Kiên Giang cần huy động tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 711.516 tỷ đồng, trong đó: Nhu cầu vốn thời kỳ 2021-2025 là 263.129 tỷ đồng, thời kỳ 2026-2030 là 448.387 tỷ đồng, cụ thể:

Nguồn vốn

Cơ cấu trong tổng vốn giai đoạn 2021-2030

Giai đoạn 2021-2025

Giai đoạn 2026-2030

Nguồn vốn khu vực nhà nước

24,4% (tương đương 64.231 tỷ đồng)

22,9% (tương đương 103.041 tỷ đồng)

Nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước

74,3% (tương đương 195.585 tỷ đồng)

75,9% (tương đương 340.151 tỷ đồng)

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

1,3% (tương đương 3.313 tỷ đồng)

1,2% (tương đương 5.196 tỷ đồng)

(3) Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng

Chủ động hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển của địa phương và phối hợp với các bộ, ngành trung ương, các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách của vùng và những đề án trọng tâm, trọng điểm tạo đột phá cho phát triển tỉnh, vùng và ngành (cả nước). (Danh mục các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về cơ chế, chính sách phát triển tại Phụ lục I kèm theo Quyết định 699/QĐ-TTg)

Xem Chi tiết tại Quyết định 699/QĐ-TTg ngày 19/7/2024.

Trần Trọng Tín

0 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;