Cụ thể, việc vận chuyển hàng nguy hiểm phải đáp ứng một số quy định như sau:
Yêu cầu đối với người tham gia vận tải hàng nguy hiểm
Người vận tải hàng nguy hiểm phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Nhân viên điều độ chạy tàu, trực ban chạy tàu ga, trưởng tàu, nhân viên tổ dồn (trưởng dồn; nhân viên ghép nối đầu máy, toa xe; gác ghi), nhân viên hóa vận tác nghiệp tại ga, lái tàu điều khiển phương tiện vận tải hàng nguy hiểm, thủ kho, người xếp, dỡ hàng nguy hiểm tại các ga, bãi do doanh nghiệp kinh doanh đường sắt tổ chức tập huấn nghiệp vụ về an toàn vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và tập huấn nghiệp vụ về vận tải hàng nguy hiểm theo hướng dẫn về nội dung, chương trình của các cơ quan có thẩm quyền quy định
- Nội dung tập huấn liên quan đến từng nhóm hàng, loại hàng vận chuyển, bao gồm:
- Các đặc điểm và tính chất lý học, hóa học của hàng nguy hiểm;
- Đánh giá và phát hiện các rủi ro, nguy cơ mất an toàn, nguy hiểm trong quá trình thực hiện các công việc vận tải hàng hóa nguy hiểm;
- Các biện pháp phòng ngừa và cải thiện điều kiện lao động khi thực hiện các công việc vận tải hàng hóa nguy hiểm;
- Xử lý các sự cố xảy ra trong quá trình lưu kho, xếp dỡ, bảo quản và vận tải hàng nguy hiểm.
Vấn đề xếp, dỡ, lưu kho hàng nguy hiểm
- Người xếp, dỡ, lưu kho hàng nguy hiểm phải thực hiện việc xếp, dỡ, lưu kho hàng nguy hiểm theo đúng quy định và hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.
- Căn cứ quy định của Bộ Giao thông vận tải, của các cơ quan có thẩm quyền và chỉ dẫn của người thuê vận tải, người chịu trách nhiệm chính trong việc tiếp nhận, tổ chức vận tải hàng nguy hiểm quyết định phương án xếp, gia cố hàng nguy hiểm và chỉ đạo các chức danh liên quan thực hiện việc xếp, dỡ hàng đúng quy định.
- Việc xếp, gia cố hàng nguy hiểm trên phương tiện giao thông đường sắt phải theo đúng phương án xếp hàng;
- Không xếp chung các loại hàng nguy hiểm có tính chất tăng cường hoặc tạo ra sự nguy hiểm cao hơn khi được xếp chung với nhau trong cùng một toa xe;
- Việc lập tàu vận tải hàng nguy hiểm phải thực hiện theo đúng quy định về vận tải loại, nhóm hàng đó.
- Việc xếp, dỡ hàng nguy hiểm trong kho, bãi của ga, cảng cạn phải theo hướng dẫn của thủ kho. Căn cứ quy định của Bộ Giao thông vận tải, của các cơ quan có thẩm quyền và chỉ dẫn của người thuê vận tải, thủ kho hướng dẫn, giám sát việc xếp, dỡ hàng nguy hiểm trong kho, bãi và chịu trách nhiệm trong thời gian hàng nguy hiểm lưu tại kho, bãi.
- Đối với loại, nhóm hàng nguy hiểm theo quy định phải xếp, dỡ, lưu kho ở nơi riêng biệt thì phải được xếp, dỡ, lưu kho ở khu vực riêng để bảo đảm an toàn theo đặc trưng của hàng đó.
- Sau khi đưa hết hàng nguy hiểm ra khỏi kho, bãi thì nơi lưu giữ hàng nguy hiểm phải được làm sạch để không ảnh hưởng tới hàng hóa khác.
Yêu cầu đối với phương tiện vận tải hàng nguy hiểm và làm sạch phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm
- Phương tiện phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành và phù hợp với loại hàng được vận tải.
- Phương tiện vận tải hàng nguy hiểm sau khi dỡ hết hàng nguy hiểm thì người nhận hàng có trách nhiệm tổ chức làm sạch theo đúng quy định không gây ảnh hưởng đến đường sắt và môi trường.
- Nơi làm sạch phương tiện vận tải hàng nguy hiểm tiến hành tại ga có tác nghiệp dỡ hàng nguy hiểm. Các chất thải, nước thải trong quá trình làm sạch phải được thu gom, xử lý, quản lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Trình tự làm sạch phương tiện: Sau khi phương tiện vận tải hàng nguy hiểm dỡ hàng xong phải được làm sạch theo trình tự sau:
- Làm sạch khô bằng các phương pháp nạo, vét, quét sạch và thu gom hàng rơi vãi trên phương tiện;
- Làm sạch ướt phương tiện bằng các chất tẩy rửa, bằng nước sạch;
- Thu gom quản lý, xử lý các chất thải theo quy định.
Trách nhiệm của người trực tiếp liên quan đến vận tải hàng nguy hiểm
Theo Nghị định 65, người trực tiếp vận tải hàng nguy hiểm bao gồm nhân viên điều độ chạy tàu, trực ban chạy tàu ga, trưởng tàu, nhân viên tổ dồn, nhân viên hóa vận, lái tàu điều khiển phương tiện vận tải hàng nguy hiểm ngoài việc thực hiện các quy định của Luật Đường sắt và các quy định có liên quan trong Nghị định này, còn có trách nhiệ:
- Chấp hành quy định ghi trong giấy phép đối với hàng nguy hiểm về loại, nhóm, tên hàng nguy hiểm quy định phải có giấy phép;
- Thực hiện các chỉ dẫn ghi trong thông báo của người thuê vận tải hàng nguy hiểm;
- Khi phát hiện hàng nguy hiểm có sự cố, đe dọa đến an toàn của người, phương tiện, môi trường và hàng hóa khác trong quá trình vận tải, khẩn trương thực hiện các biện pháp hạn chế hoặc loại trừ khả năng gây hại của hàng nguy hiểm; lập biên bản, báo cáo Ủy ban nhân dân địa phương nơi gần nhất và các cơ quan liên quan xử lý; trường hợp vượt quá khả năng xử lý, phải báo cáo cấp trên và người thuê vận tải hàng nguy hiểm để giải quyết kịp thời.
Đối với nhân viên hóa vận phải:
- Lập hồ sơ hàng nguy hiểm gồm giấy vận chuyển, sơ đồ xếp hàng và các giấy tờ có liên quan khác;
- Thường xuyên hướng dẫn, giám sát việc xếp, dỡ hàng trên phương tiện, bảo quản hàng nguy hiểm trong quá trình vận tải khi không có người áp tải hàng;
- Khi phát hiện hàng nguy hiểm có sự cố, đe dọa đến an toàn của người, phương tiện, môi trường và hàng hóa khác trong quá trình vận tải, khẩn trương thực hiện các biện pháp hạn chế hoặc loại trừ khả năng gây hại của hàng nguy hiểm; lập biên bản, báo cáo Ủy ban nhân dân địa phương nơi gần nhất và các cơ quan liên quan xử lý; trường hợp vượt quá khả năng xử lý, phải báo cáo cấp trên và người thuê vận tải hàng nguy hiểm để giải quyết kịp thờ
Xem thêm Nghị định 65/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2018.
-Thảo Uyên-
>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY
Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của
LawNet.
Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn