Ngày 10/05/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT quy định về phòng, chống bệnh động vật thủy sản.
Quy định về trách nhiệm trong giám sát dịch bệnh động vật thủy sản (Ảnh minh họa)
Theo đó, Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT quy định rõ trách nhiệm của Chủ cơ sở nuôi và các cơ quan có thẩm quyền trong việc giám sát dịch bệnh động vật thủy sản. Cụ thể như sau:
1. Trách nhiệm của chủ cơ sở nuôi
Thực hiện giám sát lâm sàng phát hiện bệnh;
Trường hợp chủ cơ sở đăng ký kiểm dịch theo quy định tại Khoản 2 Điều 55 của Luật thú y 2015 thì phải xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát với các nội dung kế hoạch giám sát dịch bệnh động vật thủy sản chủ động;
Tạo mọi Điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thủy sản trong việc lấy mẫu theo kế hoạch giám sát.
2. Trách nhiệm của Nhân viên thú y xã
Nhân viên thú y xã có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được phân công trong kế hoạch giám sát.
3. Trách nhiệm của trạm Thú y
Hướng dẫn nhân viên thú y xã và phối hợp với các đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện kế hoạch giám sát, bao gồm cả việc lấy mẫu động vật thủy sản và mẫu môi trường;
Đối với các chỉ tiêu môi trường và bệnh chưa xác định được nguyên nhân, Trạm Thú y tiến hành lấy mẫu, bảo quản và gửi đến phòng thử nghiệm của Chi cục Thú y;
Hướng dẫn cơ sở thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh;
Báo cáo kết quả giám sát về Chi cục Thú y.
4. Trách nhiệm của Chi cục Thú y
Thực hiện các quy định tại Khoản 5 Điều 16 của Luật thú y 2015;
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền của địa phương phê duyệt và bố trí kinh phí để thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh động vật thủy sản của địa phương với nội dung kế hoạch giám sát dịch bệnh động vật thủy sản chủ động; tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát sau khi được phê duyệt;
Chỉ đạo Trạm Thú y và nhân viên thú y xã phối hợp với các đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện kế hoạch giám sát;
Phối hợp với Chi cục Thủy sản và các đơn vị có liên quan thu thập thông tin về kết quả kiểm tra các chỉ tiêu môi trường của cơ sở nuôi;
Đối với các chỉ tiêu chưa đủ năng lực xét nghiệm, Chi cục Thú y gửi mẫu đến phòng thử nghiệm thuộc Cục Thú y hoặc phòng thử nghiệm được cơ quan thẩm quyền công nhận (sau đây gọi chung là phòng thử nghiệm được công nhận);
Sau khi nhận được kết quả phân tích, xét nghiệm, Chi cục Thú y thông báo kết quả kèm theo hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng bệnh cho Trạm Thú y để hướng dẫn chủ cơ sở nuôi thực hiện;
Báo cáo kết quả giám sát về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cơ quan Thú y vùng và Cục Thú y để phân tích và định hướng trong công tác phòng dịch bệnh động vật thủy sản.
5. Trách nhiệm của Cục Thú y
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, bố trí kinh phí để thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh động vật thủy sản trên phạm vi toàn quốc; tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;
Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch giám sát của các địa phương;
Xây dựng và hướng dẫn sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về giám sát dịch bệnh động vật thủy sản;
Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác phòng, chống, giám sát dịch bệnh của các cơ quan Trung ương và địa phương;
Định kỳ rà soát, bổ sung trang thiết bị cơ bản cho các cơ quan thực hiện việc giám sát dịch bệnh của Trung ương.
Chi tiết xem tại Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 01/07/2016.
Ty Na
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |