Quy định về tổ chức giám định tư pháp công lập theo pháp luật hiện hành

Quy định về tổ chức giám định tư pháp công lập theo pháp luật hiện hành
Anh Tú

Theo quy định pháp luật, tổ chức giám định tư pháp công lập được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự. Tổ chức giám định tư pháp công lập có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.

 

Theo quy định tại Điều 12 Luật giám định tư pháp 2012, trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập hoặc trình cơ quan có thẩm quyền thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập trong các lĩnh vực khác sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Theo đó, tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y bao gồm:

  • Viện pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế;
  • Trung tâm pháp y cấp tỉnh;
  • Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng;
  • Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện khoa học hình sự, Bộ Công an.

Tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y tâm thần bao gồm:

  • Viện pháp y tâm thần trung ương thuộc Bộ Y tế;
  • Trung tâm pháp y tâm thần khu vực thuộc Bộ Y tế.

Căn cứ yêu cầu giám định pháp y tâm thần của hoạt động tố tụng và điều kiện thực tế của các khu vực, vùng miền trong cả nước, Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định thành lập Trung tâm pháp y tâm thần khu vực sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự bao gồm:

  • Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an;
  • Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh;
  • Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.

Căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương, Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh có giám định viên pháp y thực hiện giám định pháp y tử thi.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định về tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập, theo đó, văn phòng giám định tư pháp là tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập, được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả.

  • Văn phòng giám định tư pháp do 01 giám định viên tư pháp thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân;
  • Văn phòng giám định tư pháp do 02 giám định viên tư pháp trở lên thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.

Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng giám định tư pháp là Trưởng văn phòng. Trưởng văn phòng giám định tư pháp phải là giám định viên tư pháp.

Giám định viên tư pháp được thành lập Văn phòng giám định tư pháp khi có đủ các điều kiện sau đây:

  • Có từ đủ 05 năm trở lên là giám định viên tư pháp trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng;
  • Có Đề án thành lập nêu rõ mục đích thành lập; dự kiến về tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở; điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định theo quy định của bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định và kế hoạch triển khai thực hiện.

Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng không được thành lập Văn phòng giám định tư pháp.

Đây là nội dung quy định tại Điều 14, Điều 15 Luật giám định tư pháp 2012.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

865 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;