Xin cho tôi hỏi quy định về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp như thế nào? - Mỹ Linh (Bình Thuận)
Quy định về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp (Hình từ internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Nguyên tắc trong hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp được quy định tại Điều 3 Nghị định 26/2024/NĐ-CP như sau:
- Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
- Không ký kết, thực hiện các hoạt động hợp tác phương hại đến lợi ích, an ninh quốc gia.
- Chủ động lựa chọn và thúc đẩy những nội dung hợp tác mà Việt Nam có nhu cầu, phù hợp với thực tiễn, điều kiện của Việt Nam, chủ trương định hướng của Đảng về đối ngoại, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quy định pháp luật có liên quan.
- Bình đẳng và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, thúc đẩy hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm hợp tác tốt với Việt Nam, chú trọng tính bền vững của hoạt động hợp tác.
- Bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, thiết thực và đề cao trách nhiệm trong hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.
Theo Điều 4 Nghị định 26/2024/NĐ-CP quy định về nội dung và hình thức hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp như sau:
- Hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp gồm toàn bộ hoặc một phần nội dung sau:
+ Tăng cường năng lực trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
+ Nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
+ Đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực pháp luật.
+ Cải cách tư pháp.
- Hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp được thực hiện dưới các hình thức:
+ Ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế;
+ Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án, phi dự án;
+ Tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế.
- Các nội dung và hình thức hợp tác pháp luật và cải cách tư pháp không theo quy định nêu trên thì thực hiện theo quy định pháp luật khác có liên quan.
Căn cứ theo Điều 6 Nghị định 26/2024/NĐ-CP, lấy ý kiến đối với hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp như sau:
(1) Đối với thỏa thuận quốc tế:
Khi thực hiện lấy ý kiến đối với thỏa thuận quốc tế theo quy định của Luật Thỏa thuận quốc tế (trừ thỏa thuận quốc tế quy định tại Điều 20 và Điều 23 Luật Thỏa thuận quốc tế) mà thỏa thuận quốc tế có nội dung hợp tác quốc tế liên quan đến pháp luật và cải cách tư pháp, cơ quan, tổ chức để xuất ký kết thỏa thuận quốc tế đồng thời gửi hồ sơ đến Bộ Tư pháp, Bộ Công an để lấy ý kiến về nội dung hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10, điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định 26/2024/NĐ-CP.
(2) Đối với chương trình, dự án, phi dự án về pháp luật và cải cách tư pháp:
- Khi thực hiện lấy ý kiến đối với chương trình, dự án, phi dự án về pháp luật và cải cách tư pháp thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương thực hiện của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Nghị định 114/2021/NĐ-CP và Nghị định 80/2020/NĐ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng thời gửi hồ sơ đến Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao để lấy ý kiến về nội dung hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10, điểm a khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 11 Nghị định 26/2024/NĐ-CP.
- Khi thực hiện lấy ý kiến đối với chương trình, dự án, phi dự án về pháp luật và cải cách tư pháp thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan chủ quản theo quy định của Nghị định 114/2021/NĐ-CP và Nghị định 80/2020/NĐ-CP, cơ quan chủ quản đồng thời gửi hồ sơ đến Bộ Tư pháp, Bộ Công an để lấy ý kiến về nội dung hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10, điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định 26/2024/NĐ-CP.
(3) Đối với hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp:
Khi thực hiện lấy ý kiến tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp theo quy định của Quyết định 06/2020/QĐ-TTg, cơ quan chủ trì thực hiện lấy ý kiến đồng thời gửi hồ sơ đến Bộ Tư pháp, Bộ Công an (trường hợp có sự tham gia của báo cáo viên là người nước ngoài) để lấy ý kiến về các nội dung hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10, điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định 26/2024/NĐ-CP.
(4) Trường hợp thỏa thuận quốc tế, chương trình, dự án, phi dự án, hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp có nội dung liên quan tới lĩnh vực quân sự, quốc phòng hoặc có hoạt động thực hiện ở khu vực biên giới, cửa khẩu và các khu vực trọng điểm khác về quốc phòng, ngoài việc lấy ý kiến các cơ quan theo quy định tại khoản (1), (2), (3), cơ quan, tổ chức thực hiện lấy ý kiến có trách nhiệm lấy ý kiến Bộ Quốc phòng về các nội dung theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Nghị định 26/2024/NĐ-CP.
(5) Hồ sơ lấy ý kiến đối với hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành, trong đó phải thể hiện rõ sự cần thiết thực hiện hoạt động hợp tác, nội dung hợp tác, hình thức hợp tác, đối tác hợp tác, kết quả dự kiến đạt được, đánh giá việc thực hiện các yêu cầu tại Điều 5 Nghị định 26/2024/NĐ-CP.
(6) Cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định pháp luật. Trường hợp pháp luật có liên quan quy định thời gian trả lời khác với quy định tại khoản này thì áp dụng theo quy định pháp luật có liên quan.
Nội dung cho ý kiến căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan được lấy ý kiến và quy định tại Nghị định này.
Xem thêm nội dung tại Nghị định 26/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/5/2024 và thay thế Nghị định 113/2014/NĐ-CP.
Nguyễn Ngọc Quế Anh
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |