Quy định về phí bảo lãnh của Chính phủ đối với doanh nghiệp

Ngày 26/6/2018 Chính phủ ban hành Nghị định 91/2018/NĐ-CP quy định về việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.

Cụ thể, Nghị định 91 quy định về phí bảo lãnh chính phủ đối với doanh nghiệp như sau:

Phí bảo lãnh chính phủ đối với doanh nghiệp

Trên cơ sở kết quả thẩm định phương án tài chính của dự án đầu tư, tình hình tài chính của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư Bộ Tài chính xác định phí bảo lãnh chính phủ đối với doanh nghiệp nhưng tối đa không vượt quá 2%/năm trên số dư nợ được bảo lãnh.

Mức phí bảo lãnh chính phủ đối với doanh nghiệp được xác định là tổng của hai mức phí:

  • Tính theo hệ số trả nợ bình quân 05 năm đầu của dự án đầu tư;
  • Tính theo hệ số năng lực tài chính của doanh nghiệp đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ tại thời điểm thẩm định cấp bảo lãnh chính phủ đối với khoản vay, khoản phát hành trái phiếu.

Mức phí bảo lãnh chính phủ được quy định cụ thể trong Biểu phí bảo lãnh chính phủ tại Phụ lục II Nghị định này.

Thu, nộp phí bảo lãnh chính phủ từ doanh nghiệp

Theo Nghị định 91/2018, phí bảo lãnh chính phủ được tính trên dư nợ gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu và loại tiền vay được Chính phủ bảo lãnh theo mức phí bảo lãnh chính phủ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và mức phí này được tính bắt đầu từ ngày rút vốn đầu tiên hoặc ngày thanh toán tiền mua trái phiếu.

- Phí bảo lãnh chính phủ được tính bằng loại tiền vay và được thu bằng đồng Việt Nam quy đổi theo tỷ giá bán ra do Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam công bố chính thức tại thời điểm nộp phí bảo lãnh và phải nộp cho Quỹ tích lũy trả nợ vào ngày thanh toán lãi của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.

- Trong vòng 10 ngày kể từ ngày đến hạn, nếu Bộ Tài chính không nhận được phí phải nộp, đối tượng được bảo lãnh phải chịu lãi phạt chậm trả trên số tiền phí bảo lãnh chính phủ chậm nộp. Lãi chậm trả này được tính như sau:

  • Tính trên số ngày chậm nộp kể từ ngày đến hạn đến ngày thực nộp;
  • Lãi suất bằng lãi suất của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh;
  • Trong trường hợp lãi suất của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu là lãi suất thả nổi thì Bộ Tài chính áp dụng lãi suất tham chiếu cùng kỳ trả lãi của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh .

Sử dụng phí bảo lãnh Chính phủ

- Phí bảo lãnh chính phủ là nguồn thu của Quỹ Tích lũy trả nợ, được Quỹ Tích lũy trả nợ quản lý và được sử dụng để tạo nguồn cho Quỹ Tích lũy trả nợ, trong đó có việc thực hiện các nghĩa vụ của người bảo lãnh.

- Bộ Tài chính trích 1,5% trên tổng số phí bảo lãnh thực tế thu được để sử dụng cho công tác quản lý bảo lãnh chính phủ theo các nội dung được Thủ tướng Chính phủ quy định.

- Trường hợp cần tham vấn ý kiến của tổ chức, chuyên gia độc lập phục vụ công tác thẩm định cấp bảo lãnh chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định việc sử dụng phần phí trích lại cho chi phí hành chính đối với việc thuê tổ chức, chuyên gia trong từng trường hợp cụ thể.

Xem thêm Nghị định 91/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2018.

-Thảo Uyên-

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

806 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;