Ngày 28/12/2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 45/2018/TT-BLĐTBXH quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng cho các ngành, nghề thuộc lĩnh vực công nghệ kỹ thuật kiến trúc, công trình xây dựng, cơ khí, điện, điện tử, truyền thông và hóa học.
Quy định về ngành CNKT hóa học trình độ CĐ và Trung cấp theo Thông tư 45 (Ảnh minh họa)
Theo đó, Thông tư 45/2018/TT-BLĐTBXH quy định chung về ngành, nghề Công nghệ kỹ thuật hóa học trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng như sau:
1. Ngành, nghề Công nghệ kỹ thuật hóa học trình độ cao đẳng
Là ngành, nghề liên quan đến hóa chất và kiểm nghiệm, có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, phát triển kỹ thuật công nghiệp, nông nghiệp, chế biến thực phẩm và nhiều lĩnh vực khác có liên quan đến hóa chất, đáp ứng yêu cầu bậc 5 trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam;
Nhiệm vụ chính của nghề là pha chế hóa chất; lấy mẫu; phân tích và bảo quản mẫu; phòng ngừa và ứng phó các sự cố hóa chất; quản lý phòng thí nghiệm và kho hóa chất; vận hành các thiết bị sản xuất có liên quan đến lĩnh vực hóa học; vận hành hệ thống xử lý nước thải và nước cấp; nghiên cứu độc lập hoặc theo nhóm những sản phẩm mới có liên quan đến hóa chất và kiểm nghiệm;
Người tốt nghiệp nghề Công nghệ kỹ thuật hóa học trình độ cao đẳng làm việc ở các công ty/doanh nghiệp với chức vụ chủ yếu là nhân viên QA (đảm bảo chất lượng) và QC (kiểm soát chất lượng, viết tắt là KCS) trong các nhà máy hóa chất, dược phẩm, mỹ phẩm, hóa chất bảo vệ thực vật, hóa dầu, hóa nhựa, dệt nhuộm, mạ điện, pin, ắc quy, luyện kim, xi măng, phân bón, chế biến thực phẩm và các lĩnh vực khác có liên quan đến hóa chất. Ngoài ra, nghề này có thể làm việc ở phòng thí nghiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các trung tâm phân tích, các trường học và viện nghiên cứu.
2. Ngành, nghề Công nghệ kỹ thuật hóa học trình độ trung cấp
Là ngành, nghề liên quan đến hóa chất và kiểm nghiệm, có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, phát triển kỹ thuật công nghiệp, nông nghiệp, chế biến thực phẩm và nhiều lĩnh vực khác có liên quan đến hóa chất đáp ứng yêu cầu trình độ bậc 4 trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam;
Nhiệm vụ chính là pha chế hóa chất; lấy mẫu; phân tích và bảo quản mẫu; phòng ngừa và ứng phó các sự cố hóa chất; quản lý phòng thí nghiệm và kho hóa chất; vận hành các thiết bị sản xuất có liên quan đến lĩnh vực hóa học; vận hành hệ thống xử lý nước thải và nước cấp;
Người tốt nghiệp nghề Công nghệ kỹ thuật hóa học trình độ trung cấp làm việc ở các công ty/doanh nghiệp với chức vụ chủ yếu là nhân viên QC (kiểm soát chất lượng, viết tắt là KCS) trong các nhà máy hóa chất, dược phẩm, mỹ phẩm, hóa chất bảo vệ thực vật, hóa dầu, hóa nhựa, dệt nhuộm, mạ điện, pin, ắc quy, luyện kim, xi măng, phân bón, chế biến thực phẩm, và các lĩnh vực khác có liên quan đến hóa chất. Ngoài ra, nghề này có thể làm việc ở phòng thí nghiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và trung tâm phân tích.
Lưu ý: Để thực hiện tốt công việc và bảo đảm an toàn lao động, người làm nghề Công nghệ kỹ thuật hóa học cần sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động như: Áo blu, găng tay, khẩu trang, mặt nạ phòng độc và mũ bảo hộ. Môi trường làm việc của nghề là thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, nên phải tuân thủ quy định của Luật Hóa chất và quy định về an toàn lao động.
Chi tiết xem tại Thông tư 45/2018/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 10/02/2019.
Ty Na
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |