Quy định về điều tra, khảo sát phục vụ lập Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ từ 10/01/2025

Quy định về điều tra, khảo sát phục vụ lập Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ từ 10/01/2025
Quế Anh

Dưới đây là quy định về điều tra, khảo sát phục vụ lập Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ từ 10/01/2025.

Quy định về điều tra, khảo sát phục vụ lập Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ từ 10/01/2025 (Hình từ internet)

Ngày 26/11/2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 23/2024/TT-BTNMT quy định kỹ thuật lập hành lang bảo vệ nguồn nước.

Quy định về điều tra, khảo sát phục vụ lập Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ từ 10/01/2025

Theo Điều 5 Thông tư 23/2024/TT-BTNMT quy định về điều tra, khảo sát phục vụ lập Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ như sau: 

(1) Chuẩn bị:

- Nhận nhiệm vụ điều tra thực địa;

- Xác định nội dung, đối tượng, phạm vi điều tra thực địa (nghiên cứu nhiệm vụ điều tra thực địa và các tài liệu liên quan; nghiên cứu các loại bản đồ, xem xét sự phân bố của các khu dân cư, xác định các đối tượng cần tập trung điều tra và sơ bộ khoanh vùng phạm vi tập trung điều tra trên bản đồ);

- Lập kế hoạch, phương án, lộ trình đi điều tra tại thực địa: lập kế hoạch chi tiết cho việc triển khai lộ trình điều tra; vạch tuyến lộ trình và thể hiện trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất hoặc bản đồ địa chính (tại khu vực có bản đồ địa chính; xây dựng phương án bố trí nhân lực, phương án di chuyển máy móc thiết bị trong quá trình điều tra thực địa;

- Chuẩn bị nhân công, vật liệu, dụng cụ và máy móc, thiết bị và tài liệu điều tra: chuẩn bị trang thiết bị phục vụ công tác điều tra; lắp đặt, kiểm tra, hiệu chuẩn, kiểm định và thử nghiệm hoạt động của máy móc trước khi đi điều tra thực địa; chuẩn bị tài liệu, giấy tờ cần thiết và phiếu điều tra; chuẩn bị các trang thiết bị, đồ bảo hộ lao động; đóng gói thiết bị, tài liệu, dụng cụ, vật tư để phục vụ cho công tác vận chuyển tới nơi tập kết tại hiện trường;

- Liên hệ địa phương và các công tác chuẩn bị khác.

(2) Tiến hành điều tra thực địa:

- Điều tra, thu thập, cập nhật bổ sung dữ liệu tại các cơ quan có liên quan ở địa phương: đặc điểm nguồn nước mặt, hiện trạng khai thác sử dụng nước mặt và xả nước thải vào nguồn nước, hiện trạng tiêu thoát nước; hiện trạng chất lượng nước mặt và tình hình ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp; các đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi và hồ chứa khác trên sông, suối; tình hình phát triển kinh tế, xã hội; các chương trình, kế hoạch, quy hoạch, chiến lược phát triển các ngành kinh tế trong khu vực ảnh hưởng đến tài nguyên nước; hiện trạng sử dụng đất, các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực ven nguồn nước; công tác quản lý tài nguyên nước, các vấn đề nổi cộm liên quan đến khai thác, sử dụng nước mặt và xả nước thải vào nguồn nước; các công trình xây dựng (bao gồm công trình nổi, công trình ngầm, hệ thống hạ tầng kỹ thuật) khu vực ven nguồn nước; bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ địa chính;

- Đi theo lộ trình điều tra tổng hợp theo các tuyến đã xác định dọc hai bên bờ và tuyến vuông góc với sông, suối, kênh, mương rạch; đi khảo sát xung quanh các đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi, các ao, hồ thuộc danh mục không được san lấp để quan sát, mô tả, chụp ảnh sơ họa, thu thập thông tin về đặc điểm, đặc trưng hình thái sông, suối, kênh, mương, rạch, đặc điểm ao, hồ, đầm, phá.

Khảo sát, đo đạc, lên vị trí trên bản đồ nhằm phục vụ xác định đường mép bờ: xác định hiện trạng, vị trí đường mép nước, địa hình khu vực đối với đoạn sông, suối, kênh, mương, rạch không có đê, kè; đỉnh bờ kè đối với sông, suối, kênh, mương, rạch đã được kè bờ; mực nước cao nhất đối với đầm, phá, ao, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo (không phải là hồ chứa thủy điện, thủy lợi) và mực nước đỉnh triều trung bình nhiều năm đối với đầm, phá ven biển.

- Tiến hành điều tra chi tiết đối với các đoạn sông, suối, kênh, mương, rạch: xác định tên nguồn nước, vị trí hành chính, tọa độ các vị trí điểm đầu, điểm cuối; chiều dài đoạn sông, suối, kênh, mương, rạch; hướng dòng chảy; chức năng của nguồn nước; quan sát, mô tả, chụp ảnh, sơ họa, thu thập thông tin về địa hình, địa chất, thủy văn, môi trường, sinh thái; diễn biến lòng dẫn, bờ sông, suối, kênh, mương, rạch tại khu vực khảo sát; các hoạt động khai thác, sử dụng và xả nước thải vào nguồn nước; tình hình dân cư sinh sống ở ven nguồn nước; các công trình cơ sở hạ tầng ven nguồn nước, các thông tin khác có liên quan và một số trường hợp cần bổ sung các thông tin như sau:

Đối với đoạn sông, suối bị sạt lở hoặc có nguy cơ bị sạt lở: vị trí hành chính, tọa độ các vị trí điểm đầu, điểm cuối đoạn sạt lở; quy mô đoạn sạt lở (chiều dài, chiều rộng; quan sát, mô tả, chụp ảnh, sơ họa, thu thập thông tin về: nguyên nhân sạt lở; đặc điểm địa hình, địa chất, lớp phủ thực vật.

Đối với đoạn sông, suối, kênh, mương, rạch bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt, cần cải tạo phục hồi nguồn nước: cảm quan về chất lượng nước (màu, mùi); hiện tượng liên quan đến ô nhiễm môi trường (cá nhảy, tảo nở hoa và các hiện tượng khác có liên quan), thu thập, điều tra các công trình xả nước thải vào nguồn nước, thông tin về mực nước, dòng chảy trên sông; nguyên nhân chính gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước và các thông tin khác có liên quan.

Đối với đoạn sông, suối, kênh, rạch là trục tiêu thoát nước cho các đô thị, khu dân cư tập trung, khu, cụm công nghiệp: quan sát, mô tả, chụp ảnh, sơ họa, thu thập thông tin về tên khu dân cư, khu đô thị, khu, cụm công nghiệp; các hoạt động xả nước thải vào nguồn nước, loại hình xả thải, hiện trạng chất lượng nước và thông tin khác có liên quan.

Đối với đoạn sông, suối, kênh, rạch gắn liền với sinh kế của cộng đồng dân cư sống ven sông: các hoạt động gắn liền với sinh kế của người dân sống ven sông (nuôi trồng thủy sản, giao thông thủy, trồng hoa màu), quan sát, mô tả, chụp ảnh, sơ họa, thu thập thông tin về tình hình dân cư sinh sống ở ven nguồn nước; các công trình cơ sở hạ tầng ven nguồn nước và các thông tin khác có liên quan.

- Tiến hành điều tra chi tiết đối với các nguồn nước có chức năng bảo vệ, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hóa, đa dạng sinh học và phát triển du lịch: xác định tên nguồn nước, vị trí hành chính, tọa độ các vị trí điểm đầu, điểm cuối; chức năng nguồn nước, các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hóa, đa dạng sinh học và phát triển du lịch và các thông tin khác có liên quan;

- Tiến hành điều tra, thu thập thông tin chi tiết đối với hồ, ao, đầm, phá không được san lấp: tên, vị trí hành chính, tọa độ, diện tích mặt nước hồ, ao, đầm, phá; đơn vị quản lý; chức năng của hồ, ao, đầm, phá; quan sát, chụp ảnh, sơ họa, mô tả đặc điểm hồ, ao và tình trạng kè bờ, tình hình sạt lở xung quanh bờ, các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, có giá trị cao về đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa và bảo vệ, phát triển hệ sinh thái tự nhiên.

Đối với hồ, ao có chức năng cấp nước cho sinh hoạt thì bổ sung thu thập thêm các thông tin về lưu lượng khai thác, đơn vị khai thác, tình hình cấp phép và các thông tin khác có liên quan.

- Tiến hành điều tra chi tiết đối với đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi và các công trình khai thác, sử dụng nước khác trên sông, suối: xác định tên công trình, loại công trình, vị trí hành chính, tọa độ vị trí các hạng mục công trình chính, tên nguồn nước khai thác; các thông số chủ yếu của công trình về mục đích sử dụng nước, dung tích, diện tích tưới, công suất lắp máy, lưu lượng khai thác, đơn vị quản lý, thông tin về giấy phép khai thác và các thông tin khác có liên quan; quan sát, chụp ảnh, sơ họa, mô tả tình hình dân cư sinh sống ở ven công trình;

- Các thông tin điều tra được ghi chép vào phiếu, sổ nhật ký điều tra thực địa;

Mẫu phiếu điều tra thực địa được quy định chi tiết tại Mẫu số 01 Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư 23/2024/TT-BTNMT.

- Chỉnh lý số liệu điều tra thực địa, bảo dưỡng thiết bị máy móc hàng ngày: kiểm tra, chỉnh lý tài liệu, số liệu điều tra thực địa trong ngày (phiếu điều tra thực địa, sổ nhật ký điều tra và các tài liệu khác có liên quan); rà soát, kiểm tra nội dung, khối lượng các công việc đã thực hiện ngoài thực địa; điều chỉnh kế hoạch, phương án đi lộ trình điều tra; điều chỉnh, bổ sung khối lượng, nội dung công việc điều tra thực địa (nếu cần); kiểm tra, hiệu chỉnh máy móc thiết bị phục vụ công tác điều tra sau mỗi ngày làm việc.

(3) Tổng hợp, chỉnh lý, hoàn thiện kết quả điều tra thực địa và giao nộp sản phẩm:

- Chỉnh lý, hoàn thiện các dữ liệu, thông tin thu thập và kết quả điều tra thực địa;

- Nhập kết quả điều tra vào máy tính;

- Xử lý, chỉnh lý tổng hợp các dữ liệu, thông tin, kết quả điều tra;

- Xây dựng báo cáo kết quả điều tra, sơ đồ các tuyến và vị trí các điểm điều tra trên nền bản đồ hiện trạng sử dụng đất hoặc bản đồ địa chính; các biểu, bảng thống kê tổng hợp kết quả điều tra, khảo sát và đề xuất các vị trí dự kiến cắm mốc;

- Hoàn chỉnh hồ sơ, tài liệu kết quả điều tra và bàn giao sản phẩm.

 

0 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;