Dưới đây là quy định về bán nợ trong cơ chế xử lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam từ 01/03/2025.
Quy định về bán nợ trong cơ chế xử lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam từ 01/03/2025 (Hình từ internet)
Ngày 06/01/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 02/2025/QĐ-TTg về Cơ chế xử lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Theo Điều 11 Quyết định 02/2025/QĐ-TTg quy định về bán nợ như sau:
(1) Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển xem xét, quyết định việc bán nợ để thu hồi nợ vay khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
- Khoản nợ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 Quyết định 02/2025/QĐ-TTg hoặc khoản nợ đang được theo dõi ngoại bảng hoặc đã xuất toán ra khỏi ngoại bảng;
- Ngân hàng Phát triển và khách hàng không có thỏa thuận bằng văn bản về việc không được bán khoản nợ;
- Khoản nợ không được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự tại thời điểm bán nợ trừ trường hợp bên nhận bảo đảm đồng ý bằng văn bản về việc bán nợ;
- Việc bán các khoản nợ được định giá thấp hơn số dư nợ gốc còn lại chưa thu hồi được của khoản nợ chỉ thực hiện đối với khoản nợ đang được theo dõi ngoại bảng hoặc đã xuất toán ra khỏi ngoại bảng và việc bán các khoản nợ này phải đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định tại khoản (5).
(2) Nguyên tắc thực hiện bán nợ:
- Ngân hàng Phát triển thực hiện bán nợ theo quy định của pháp luật áp dụng đối với hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trừ các nội dung quy định tại Quyết định 02/2025/QĐ-TTg;
- Hoạt động bán nợ không trái với nội dung quy định tại hợp đồng tín dụng/hợp đồng nhận nợ và hợp đồng bảo đảm tiền vay đã ký kết giữa Ngân hàng Phát triển, khách hàng và bên bảo đảm;
- Hoạt động bán nơ do các bên tự thỏa thuận trên cơ sở tuân thủ quy định tại Quyết định 02/2025/QĐ-TTg và quy định của pháp luật có liên quan.
(3) Phương thức bán nợ: Ngân hàng Phát triển thực hiện bán nợ theo phương thức đấu giá. Việc đấu giá khoản nợ thực hiện theo quy định pháp luật về đấu giá tài sản.
(4) Định giá khoản nợ: Ngân hàng Phát triển phải thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá được thành lập theo quy định của pháp luật thực hiện định giá khoản nợ để xác định giá khởi điểm dự kiến của khoản nợ được bán đấu giá.
(5)Trường hợp khoản nợ đang theo dõi ngoại bảng được định giá thấp hơn số dư nợ gốc còn lại chưa thu hồi được, ngoài điều kiện quy định tại khoản (1), Ngân hàng Phát triển chỉ được bán nợ khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
- Có đầy đủ hồ sơ, tài liệu xác định rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan và dự kiến trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc xử lý tổn thất về tài sản của Ngân hàng Phát triển khi bán nợ thấp hơn số dư nợ gốc còn lại chưa thu hồi được;
- Có hồ sơ, tài liệu chứng minh biện pháp bán nợ là biện pháp tối ưu để thu hồi nợ vay;
- Phải được Ban kiểm soát Ngân hàng Phát triển thẩm định và thống nhất với đề xuất của Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển.
(6) Trước khi xem xét, quyết định bán khoản nợ đang theo dõi ngoại bảng được định giá thấp hơn số dư nợ gốc còn lại chưa thu hồi được của khoản nợ, Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển có trách nhiệm tổng hợp các khoản nợ dự kiến bán, gửi Bộ Tài chính để lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan liên quan trước khi tổng hợp gửi Ngân hàng Phát triển trong thời gian tối đa là 90 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định. Văn bản của Ngân hàng Phát triển gửi Bộ Tài chính bao gồm các nội dung cơ bản sau:
- Thực trạng khách hàng vay vốn và khoản nợ dự kiến bán: Tên dự án vay vốn/khách hàng vay vốn, thời gian vay vốn, thời điểm chuyển theo dõi ngoại bảng; thực trạng thu hồi nợ (gốc, lãi) của khoản vay, dư nợ còn lại chưa thu hồi được tại thời điểm trình xuất toán; tác động của việc bán khoản nợ đến tài chính của Ngân hàng Phát triển; thực trạng hoạt động của khách hàng vay vốn; tình hình tài chính của khách hàng vay vốn theo số liệu tại báo cáo tài chính năm gần nhất với thời điểm đề nghị bán nợ được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp khách hàng đã phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật hoặc dừng hoạt động theo xác nhận của cơ quan có thẩm quyền); tình hình vay vốn của khách hàng tại các tổ chức tín dụng khác (nếu có); thông tin quan hệ tín dụng của khách hàng theo số liệu do Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) cung cấp tại thời điểm đề nghị bán nợ;
- Phương án dự kiến xử lý tổn thất về tài sản của Ngân hàng Phát triển khi bán khoản nợ đang theo dõi ngoại bảng được định giá thấp hơn số dư nợ gốc còn lại chưa thu hồi được của khoản nợ (trong trường hợp bị tổn thất về tài sản do nguyên nhân chủ quan, xác định dự kiến trách nhiệm cụ thể của các tổ chức và cá nhân liên quan, mức bồi thường theo quy định của pháp luật; tiền bảo hiểm nếu có);
- Các biện pháp đã sử dụng để thu hồi nợ vay sau khi chuyển theo dõi ngoại bảng và hồ sơ, tài liệu chứng minh biện pháp bán nợ là biện pháp tối ưu để thu hồi nợ vay;
- Ý kiến thẩm định của Ban kiểm soát Ngân hàng Phát triển, Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển về việc đáp ứng điều kiện bán nợ và ý kiến khác (nếu có);
- Các hồ sơ, tài liệu khác (nếu có).
(7) Sau khi hoàn tất việc bán nợ, Ngân hàng Phát triển thực hiện xử lý tổn thất về tài sản đối với khoản nợ theo quy định tại Điều 7 Quyết định 02/2025/QĐ-TTg.
Xem thêm Quyết định 02/2025/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 01/03/2025.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |