Quy định mới về việc để lại công trình dầu khí khi thu dọn công trình dầu khí từ 04/11/2024

Quy định mới về việc để lại công trình dầu khí khi thu dọn công trình dầu khí từ 04/11/2024
Tấn Đại

Bài viết sau có nội dung về việc để lại công trình dầu khí khi thu dọn công trình dầu khí từ 04/11/2024 được quy định trong Thông tư 16/2024/TT-BCT.

Quy định mới về việc để lại công trình dầu khí khi thu dọn công trình dầu khí từ 04/11/2024

Quy định mới về việc để lại công trình dầu khí khi thu dọn công trình dầu khí từ 04/11/2024 (Hình từ Internet)

Ngày 16/9/2024, Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành Thông tư 16/2024/TT-BCT quy định về bảo quản và hủy bỏ giếng khoan dầu khí, thu dọn công trình dầu khí.

1. Quy định mới về việc để lại công trình dầu khí khi thu dọn công trình dầu khí từ 04/11/2024

Theo quy định tại Điều 26 Thông tư 16/2024/TT-BCT thì việc để lại công trình dầu khí khi thu dọn công trình dầu khí được thực hiện như sau:

- Việc để lại một phần hoặc toàn bộ công trình dầu khí thực hiện theo quy định tại Điều 55 Nghị định 45/2023/NĐ-CP.

- Trường hợp tổ chức, cá nhân đã thực hiện trích lập đầy đủ nghĩa vụ bảo đảm tài chính theo kế hoạch thu dọn đã được phê duyệt thì việc để lại một phần hoặc toàn bộ công trình dầu khí được xem xét một trong các trường hợp sau:

+ Không khả thi về mặt kỹ thuật để thực hiện thu dọn công trình dầu khí;

+ Các giải pháp thu dọn công trình dầu khí được đưa ra nhưng vẫn không thể thu hồi công trình một cách an toàn;

+ Thu dọn công trình dầu khí có thể gây nguy hại đến tính mạng con người hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển nhưng không ảnh hưởng đến an toàn hàng hải;

+ Các đường ống biển chưa chôn ngầm nhưng bị chôn vùi tự nhiên toàn bộ theo thời gian và đang tồn tại như trạng thái chôn ngầm hoặc đoạn ống lộ nhưng tổ chức, cá nhân thực hiện giải pháp chôn vùi;

+ Thiết bị đầu giếng; công trình ngầm; cọc, ống, khối neo bằng bê tông, kết cấu đóng xuống đáy biển của khối chân đế tại vùng biển có độ sâu mực nước tối thiểu 500 m, trừ trường hợp có các lý do đặc biệt liên quan đến quốc phòng, an ninh;

+ Việc cắt bỏ ống chống của giếng khoan, cọc, ống và các kết cấu được đóng xuống đáy biển từ mặt đáy biển trở lên;

+ Các công trình dầu khí chứng minh được lợi ích khi để lại.

- Nội dung đề xuất để lại công trình dầu khí bao gồm:

+ Hiện trạng công trình dầu khí;

+ Lý do đề xuất để lại công trình dầu khí;

+ Quản trị các rủi ro có thể xảy ra;

+ Các giải pháp đảm bảo tính toàn vẹn của các công trình;

+ Kết luận và kiến nghị.

- Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi để lại công trình dầu khí

+ Thiết lập các thiết bị, hệ thống cảnh báo an toàn hàng hải đối với các công trình dầu khí để lại theo quy định của pháp luật về hàng hải;

+ Chuyển giao toàn bộ quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí cho việc thu dọn công trình dầu khí theo quy định tại các Điều 53 và 54 Nghị định 45/2023/NĐ-CP;

+ Chuyển giao công trình dầu khí cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoặc tổ chức được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

2. Quy định về quản lý và sử dụng quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí

Việc quản lý và sử dụng quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí được quy định cụ thể tại Điều 53 Nghị định 45/2023/NĐ-CP như sau:

- Quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí được sử dụng cho mục đích thu dọn công trình dầu khí. Nhà thầu được sử dụng số tiền trong quỹ để thực hiện nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí theo kế hoạch thu dọn công trình dầu khí đã được phê duyệt.

- Trường hợp nhà thầu không thể triển khai thu dọn công trình dầu khí theo kế hoạch thu dọn công trình dầu khí đã được phê duyệt do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không thể hoàn trả đủ giá trị quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí đã trích nộp, nhà thầu được giải thoát khỏi nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí tương ứng với phần không thể hoàn trả và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chịu trách nhiệm thu dọn các hạng mục công trình dầu khí chưa được thu dọn đó.

- Trường hợp nhà thầu không phải thu dọn hoặc chỉ thu dọn một phần công trình dầu khí, toàn bộ hoặc một phần quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí tương ứng với toàn bộ hoặc một phần công trình dầu khí được yêu cầu để lại vẫn do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quản lý và được sử dụng trực tiếp để thu dọn khi công trình dầu khí không còn cần cho hoạt động dầu khí hoặc không thể tiếp tục hoạt động an toàn.

Trong trường hợp này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phối hợp với nhà thầu xác định giá trị quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí tại thời điểm tiếp nhận quyền sử dụng quỹ và nhà thầu có trách nhiệm trích nộp phần quỹ còn thiếu, được xác định theo quy trình quy định tại Điều 52 Nghị định 45/2023/NĐ-CP

Sau khi nhà thầu hoàn thành trích nộp bổ sung giá trị quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí còn thiếu và bàn giao quyền sử dụng quỹ cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nhà thầu được giải thoát nghĩa vụ đối với toàn bộ hoặc phần công trình dầu khí chưa được thu dọn, đồng thời được giải thoát nghĩa vụ đóng góp phần chi phí thu dọn thực tế có thể còn thiếu trong tương lai khi triển khai hoạt động thu dọn công trình dầu khí (nếu có).

- Hằng năm, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện việc kiểm toán và xác nhận giá trị đã trích nộp quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí, giá trị giải ngân từ quỹ và chi phí thực tế mà nhà thầu đã thực hiện.

Xem thêm Thông tư 16/2024/TT-BCT có hiệu lực kể từ ngày 04/11/2024 và thay thế Thông tư 17/2020/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về bảo quản và hủy bỏ giếng khoan dầu khí.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

0 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;