Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 208/2015/TT-BTC quy định về hoạt động của hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn, thay thế Thông tư 68/2007/QĐ-BTC . So với quy định cũ:
* Thành phần Hội đồng tư vấn thuế:
Thành phần Hội đồng tư vấn (HĐTV) thuế gồm: Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã - Chủ tịch Hội đồng; Đội trưởng hoặc Phó đội trưởng Đội thuế liên xã, phường, thị trấn hoặc tương đương - thành viên thường trực; Một công chức phụ trách về tài chính thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã - thành viên; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn - thành viên; Trưởng công an xã, phường, thị trấn - thành viên; Đại diện hộ kinh doanh - thành viên.
Còn theo quy định của Quyết định 68/2007/QĐ-BTC thì các thành phần của HĐTV thuế xã, phường, thị trấn thuộc cơ quan thuế, mặt trận tổ quốc, công an không phải là cán bộ, công chức lãnh đạo.
* Nhiệm vụ của HĐTV thuế:
HĐTV thuế có 3 nhiệm vụ sau: Tư vấn về mức doanh thu dự kiến, mức thuế dự kiến của hộ kinh doanh nộp thuế ổn định đầu năm gồm hộ kinh doanh thuộc diện không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân; hộ kinh doanh thuộc diện phải nộp thuế; Tư vấn về mức doanh thu dự kiến, mức thuế dự kiến của hộ kinh doanh mới ra kinh doanh; hộ kinh doanh có thay đổi về hoạt động kinh doanh trong năm; Tư vấn về mức thuế miễn, giảm đối với hộ kinh doanh.
Trước đây, HĐTV thuế có 7 nhiệm vụ gồm: Phối hợp với cơ quan thuế để tuyên truyền, phổ biến các luật, pháp lệnh về thuế; Thống kê những hộ kinh doanh mới phát sinh hoặc có thay đổi về quy mô, nội dung kinh doanh trên địa bàn để chuyển cho cơ quan thuế xác định và phân loại quản lý theo pháp luật thuế; Đôn đốc, vận động các hộ kinh doanh thực hiện kê khai, nộp thuế đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước; Tư vấn cho cơ quan thuế trong việc xét miễn giảm thuế cho các hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán; Tham gia với cơ quan thuế vào việc xác định số thuế phải nộp của các hộ kinh doanh theo phương pháp khoán trên địa bàn phù hợp với thực tế kinh doanh và đảm bảo tính công bằng về thuế; Phối hợp với cơ quan thuế trong việc thực hiện cưỡng chế đối với các hộ kinh doanh chây ỳ, không nộp thuế; Phản ánh, thông báo với cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác các hành vi sai trái của công chức thuế.
* Quyền hạn của HĐTV thuế:
HĐTV thuế có quyền sau: Được tham gia tập huấn, phổ biến, nhận tài liệu về chính sách thuế, quản lý thuế hiện hành liên quan đến công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh; Yêu cầu đội thuế liên xã, phường, thị trấn cung cấp thông tin về tình hình quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh trên địa bàn. Trước đây, HĐTV thuế có các quyền: Được phổ biến, nhận tài liệu có liên quan đến chính sách thuế hiện hành; Yêu cầu đội thuế quản lý địa bàn xã, phường, thị trấn cung cấp thông tin về tình hình quản lý thu thuế trên địa bàn; Yêu cầu các cơ quan khác cung cấp thông tin về tình hình phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
* Trách nhiệm của Chủ tịch HĐTV thuế:
Chủ tịch HĐTV thuế có các trách nhiệm sau: Quyết định chương trình, kế hoạch công tác của HĐTV thuế; Mời đại biểu, triệu tập các thành viên và chủ trì các cuộc họp của HĐTV thuế; Phân công các thành viên HĐTV thuế theo dõi từng việc cụ thể; Quyết định và chịu trách nhiệm chung về hoạt động của HĐTV thuế và thành viên HĐTV thuế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo quy định; Báo cáo bằng văn bản với Chủ tịch UBND cấp huyện và Chi cục trưởng Chi cục Thuế trong trường hợp cá nhân hoặc các thành viên khác không thể tiếp tục tham gia HĐTV thuế; Ký các văn bản, tài liệu giao dịch nhân danh HĐTV thuế. Trước đây chủ tịch HĐTV thuế có trách nhiệm phân công các thành viên Hội đồng theo dõi từng việc cụ thể, phù hợp với công việc chuyên môn thành viên đang đảm nhận, để có điều kiện đi sâu vào từng vấn đề giúp cho HĐTV thuế làm việc có kết quả.
* Trách nhiệm của các thành viên HĐTV thuế:
Trách nhiệm chung đối với các thành viên: Triển khai công việc theo sự phân công của Chủ tịch HĐTV thuế và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch HĐTV thuế về kết quả công việc được phân công; Bố trí tham gia đầy đủ các hoạt động của HĐTV thuế; Trình bày ý kiến tại cuộc họp hoặc bằng văn bản; Báo cáo bằng văn bản với Chủ tịch HĐTV thuế trong trường hợp không thể tiếp tục tham gia HĐTV thuế. Trước đây chỉ quy định trong cuộc họp thì các thành viên HĐTV thuế được phát biểu công khai về các vấn đề liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế của hộ kinh doanh theo nguyên tắc đảm bảo công bằng và bình đẳng giữa các hộ kinh doanh với nhau.
Trách nhiệm riêng đối với thành viên thường trực: Đề xuất xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của HĐTV thuế và dự kiến phân công nhiệm vụ cho các thành viên để Chủ tịch HĐTV thuế xem xét, quyết định; Chuẩn bị tài liệu, ghi biên bản trong các cuộc họp và tổng hợp ý kiến tham gia của các thành viên HĐTV thuế; Báo cáo Chủ tịch HĐTV thuế và Chi cục trưởng Chi cục Thuế trong trường hợp phải thay đổi, bổ sung thành viên HĐTV thuế. Trước đây chỉ quy định thành viên Thường trực có trách nhiệm chuẩn bị nội dung thông qua Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để đưa ra thảo luận tại cuộc họp.
* Chế độ làm việc của HĐTV thuế:
Chủ tịch và các thành viên của HĐTV thuế hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. HĐTV thuế chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch HĐTV thuế về các công việc liên quan đến nhiệm vụ quy định tại thông tư này. HĐTV thuế họp lấy ý kiến các thành viên về các nội dung tư vấn theo triệu tập của Chủ tịch HĐTV thuế. Các cuộc họp của HĐTV thuế được tiến hành khi có sự tham gia chủ trì của Chủ tịch HĐTV thuế và ít nhất 2/3 tổng số thành viên (bao gồm cả chủ tịch hội đồng) tham dự. HĐTV thuế có thể tổ chức lấy ý kiến các thành viên về các nội dung tư vấn thông qua phương tiện điện tử và phải đảm bảo có ít nhất 2/3 tổng số thành viên có ý kiến tham gia như trường hợp họp trực tiếp. Trường hợp ý kiến tham gia của các thành viên chưa thống nhất thì phải tiến hành biểu quyết để quyết định theo đa số; nếu kết quả biểu quyết ngang nhau thì quyết định theo nội dung có ý kiến nhất trí của Chủ tịch HĐTV thuế để làm cơ sở lập biên bản họp HĐTV thuế.
Các cuộc họp của HĐTV thuế phải được ghi biên bản và có chữ ký xác nhận của các thành viên trong HĐTV thuế dự họp. Trong biên bản phải nêu rõ các trường hợp thống nhất với dự kiến của Chi cục Thuế; các trường hợp và lý do đề nghị điều chỉnh mức doanh thu, mức thuế của hộ kinh doanh. Trường hợp lấy ý kiến thông qua phương tiện điện tử thì các ý kiến tham gia do thành viên thường trực hội đồng tổng hợp chung và ghi vào biên bản như họp trực tiếp.
Trước đây chỉ quy định chung là các thành viên của HĐTV thuế hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Trường hợp trong cuộc họp có các ý kiến khác nhau thì phải lập biên bản báo cáo xin ý kiến của UBND xã, phường và lãnh đạo Chi cục Thuế có ý kiến. Các buổi họp, làm việc của HĐTV thuế đều được ghi biên bản để thuận tiện cho công tác quản lý của cơ quan chức năng và cơ quan thuế.
Nguồn: Báo Bình Phước
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |