Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ký ban hành Thông tư 28/2014/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính của Quỹ đầu tư phát triển địa phương (gọi tắt là Quỹ).
Theo quy định pháp luật, vốn điều lệ là mức vốn được quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ. Vốn điều lệ của Quỹ không được thấp hơn mức vốn điều lệ tối thiểu là 100 tỷ đồng theo quy định tại Khoản 2 Điều 30 Nghị định 138/2007/NĐ-CP. Vốn điều lệ thực có là số vốn điều lệ được phản ánh trên sổ sách kế toán của Quỹ.
Như vậy, khi có nhu cầu tăng vốn điều lệ, căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược phát triển và nguồn bổ sung vốn điều lệ, Quỹ xây dựng phương án tăng vốn điều lệ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Phương án tăng vốn điều lệ của Quỹ bao gồm các nội dung cơ bản sau:
Vốn điều lệ thực có, số dư các quỹ dự phòng tài chính, quỹ đầu tư phát triển và các nguồn vốn khác của chủ sở hữu tại thời điểm xây dựng phương án tăng vốn điều lệ;
Thuyết minh nhu cầu và kế hoạch mở rộng hoạt động của Quỹ;
Số vốn điều lệ cần tăng thêm để đáp ứng nhu cầu và kế hoạch mở rộng hoạt động của Quỹ;
Nguồn để tăng vốn điều lệ;
Kế hoạch, lộ trình và thẩm quyền quyết định tăng vốn điều lệ.
Ngoài ra, thẩm quyền quyết định tăng vốn điều lệ được quy định tại Thông tư 28/2014/TT-BTC như sau:
Trường hợp Quỹ bổ sung vốn điều lệ từ quỹ đầu tư phát triển, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phương án tăng vốn điều lệ.
Trường hợp Quỹ sử dụng ngân sách địa phương để bổ sung vốn điều lệ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và thực hiện tăng vốn điều lệ cho Quỹ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định 37/2013/NĐ-CP.
Xem chi tiết tại Thông tư 28/2014/TT-BTC có hiệu lực từ 12/4/2014.
Thu Ba
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |