Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung phương án sắp xếp tổ chức bộ máy đối với các cơ quan của Chính phủ theo Kết luận 121
Phương án sắp xếp tổ chức bộ máy đối với các cơ quan của Chính phủ theo Kết luận 121 (Hình từ internet)
Ngày 24/01/2025, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận 121-KL/TW về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy đối với các cơ quan của Chính phủ như sau:
- Hợp nhất các bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính thành Bộ Tài chính; Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải thành Bộ Xây dựng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ thành Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ thành Bộ Nội vụ.
- Thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ủy ban Dân tộc tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ.
- Đồng ý chủ trương tổ chức lại hệ thống thanh tra trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Thanh tra Chính phủ và hệ thống các cơ quan thanh tra địa phương, thanh tra chuyên ngành hiện nay.
- Đồng ý chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy công an địa phương theo hướng "tỉnh toàn diện; xã vững mạnh, bám cơ sở", không tổ chức công an cấp huyện. Riêng đối với những huyện đảo bố trí đồn công an (do không có đơn vị hành chính cấp xã). Thí điểm không lập tổ chức đảng ở công an quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cụ thể, tại Nghị quyết 08/2021/QH15, Quốc hội quyết nghị cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ, gồm:
1. Bộ Quốc phòng;
2. Bộ Công an;
3. Bộ Ngoại giao;
4. Bộ Nội vụ;
5. Bộ Tư pháp;
6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
7. Bộ Tài chính;
8. Bộ Công Thương;
9. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
10. Bộ Giao thông vận tải;
11. Bộ Xây dựng;
12. Bộ Tài nguyên và Môi trường;
13. Bộ Thông tin và Truyền thông;
14. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
15. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
16. Bộ Khoa học và Công nghệ;
17. Bộ Giáo dục và Đào tạo;
18. Bộ Y tế.
Cơ quan ngang bộ
19. Ủy ban Dân tộc;
20. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
21. Thanh tra Chính phủ;
22. Văn phòng Chính phủ.
Ngoài ra, tại Nghị quyết 20/2021/QH15, Quốc hội quyết nghị cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm 27 thành viên là:
- Thủ tướng Chính phủ;
- 4 Phó Thủ tướng Chính phủ;
- 18 Bộ trưởng các bộ: Quốc phòng; Công an; Ngoại giao; Nội vụ; Tư pháp; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo; Y tế;
- 4 Thủ trưởng cơ quan ngang bộ: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |